Hà Nội: Cánh đồng thành biển nước, người dân mất trắng vụ mùa

Đến ngày 21/9, tại xã Mỹ Lương, mực nước mới giảm được khoảng 1m so với đỉnh lũ, một số diện tích lúa bắt đầu trồi lên mặt nước. Xót xa công sức trồng cấy suốt 4 tháng, người dân đã lội ra đồng, cố gắng vớt vát những bông lúa còn có thể thu hoạch.

Nước lũ dâng cao khiến nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội vẫn chìm trong nước. Huyện Chương Mỹ (Hà Nội) được xem là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Nước từ sông Bùi dâng cao, tràn đê và ngập lụt diện rộng, khiến hàng ngàn hecta lúa, hoa màu, và ao cá của nông dân bị chìm trong nước.

Theo thống kê đến ngày 21/9, hơn 3.600 hecta lúa ở huyện này đã bị ngập, trong khi toàn Hà Nội có hơn 14.000 hecta lúa bị ảnh hưởng bởi đợt lũ này. Điều đáng tiếc là phần lớn diện tích lúa này đang chuẩn bị đến kỳ thu hoạch, hạt đã chắc, nhưng nay coi như mất trắng.

lua-ngap-3-1726990430.jpg
Cánh đồng nhiều huyện ngoại thành Hà Nội vẫn chìm trong nước lũ

Tại xã Mỹ Lương, nước lũ đã khiến cánh đồng lúa thành biển nước mênh mông. Theo người dân địa phương, từ năm 1971 đến nay, đây mới là lần thứ hai mực nước sông Bùi dâng cao đến mức như vậy. Lúa đã gần đến kỳ thu hoạch, nhưng chưa kịp gặt thì giờ coi như mất trắng.

Nước lũ rút rất chậm, trung bình mỗi ngày chỉ hạ khoảng 8 - 10 cm. Đến ngày 21/9, mực nước mới giảm được khoảng 1m so với đỉnh lũ, một số diện tích lúa bắt đầu trồi lên mặt nước. Xót xa công sức trồng cấy suốt 4 tháng, người dân đã lội ra đồng, cố gắng vớt vát những bông lúa còn có thể thu hoạch.

Chị Đặng Thị Thư (thôn Duy, xã Mỹ Lương) cho biết, gia đình chị có 6 sào lúa, nhưng nước ngập sâu đến mức không thể nhìn thấy ngọn lúa. Hai chị em chị đã phải lội nước ngập đến ngực để gặt những bông lúa còn lại. Chị Thư nghẹn ngào nói, suốt mấy tháng trồng cấy, chăm sóc mà chỉ còn vớt được vài bông lúa nên rất xót xa.

lua-ngap-1-1726990431.jpg
Người dân cố gắng vớt vát lại chút lúa ngập trong nước lũ (Ảnh: Giang Huy/VnEpress)

Vợ chồng anh Đặng Trần Tú và chị Phùng Thị Nạng cũng đang khẩn trương chuyển số lúa vừa vớt được lên bờ. Anh Tú buồn bã chia sẻ, nhà anh có 8 sào lúa, nhưng từ sáng đến giờ mới vớt được chưa tới một sào, coi như mất trắng.

Những bông lúa ngập nước giờ lẫn lộn giữa hạt xanh và hạt chín, thậm chí có nhiều hạt đã già đến mức bắt đầu nảy mầm. Nếu trong điều kiện bình thường, một sào lúa ở Bắc Bộ có thể cho thu hoạch khoảng 2 tạ thóc tươi, nhưng với tình trạng hiện tại, hy vọng về một vụ mùa bội thu đã không còn nữa.

Nhiều tuyến đường làng tại xã Mỹ Đức giờ đây đã trở thành những điểm phơi lúa tạm bợ cho người dân, khi rất nhiều hộ phải vớt lúa từ ruộng ngập. Sau hơn mười ngày ngâm trong nước lũ và do phải gặt non, lúa bây giờ chỉ còn giá trị làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Bà Trần Thị Hạt (70 tuổi) vừa trải chỗ thóc mới tuốt lên sân phơi, vừa tâm sự, nhà bà có 7 sào lúa, trong đó 5 sào đã bị ngập hoàn toàn. Lúa ngâm nước lâu, hạt gạo chắc chắn sẽ không còn ngon nữa. Năm nay, gia đình đành phải đi mua gạo về ăn thôi.

lua-ngap-2-1726990431.jpg
Người dân phơi lúa trên đường làng (Ảnh: Giang Huy/VnEpress)

Tại xã Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức), tình cảnh cũng không mấy khả quan hơn. Hơn 800 hộ dân nơi đây đã phải chịu cảnh chìm trong nước lũ suốt gần 10 ngày qua. Nước lũ đã cuốn trôi nhiều tài sản giá trị và gây thiệt hại nặng nề đến hoa màu. Vụ mùa hàng năm luôn có tiếng vui cười của người nông dân thì năm nay lại chìm trong không khí ảm đạm, nặng nề trên khắp các cánh đồng.

Bên cạnh thiệt hại về lúa, người nông dân còn đối mặt với việc mất trắng ao cá. Nhiều hộ gia đình tại các huyện như Mỹ Đức và Quốc Oai nuôi trồng thủy sản như cá rô, cá chép, cá trắm để có thêm nguồn thu nhập. Tuy nhiên, nước lũ dâng cao, cuốn trôi tất cả cá, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho nhiều hộ. Một số hộ đã mất toàn bộ vốn liếng đầu tư vào ao cá mà không thể thu hồi lại được bất kỳ thứ gì. Đây là một cú sốc lớn cho họ khi nguồn thu nhập chính bị mất đi chỉ sau vài ngày mưa lũ.

Với những gia đình sống dựa vào nông nghiệp, việc mất mùa này khiến họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để duy trì cuộc sống. Đây không chỉ là thiệt hại về kinh tế mà còn là nỗi lo lắng về tương lai của họ trong những tháng tới.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, thiệt hại của người nông dân sau bão lũ không chỉ là mất mùa một vụ mà còn ảnh hưởng lâu dài đến năng suất và sản lượng trong các vụ tiếp theo. Đất đai bị ngập nước lâu ngày có thể ảnh hưởng đến chất lượng canh tác, gây ra sự giảm sút năng suất và kéo dài thời gian phục hồi.

(Tổng hợp)