Vĩnh Phúc
Ngày 22/9, trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại một số đoạn đê sông Lô, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban bố tình huống khẩn cấp về thiên tai và ra lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để khắc phục sự cố sạt lở bờ sông. Đoạn đê bị ảnh hưởng kéo dài từ K0+650 đến K0+850, thuộc đê tả Lô, địa phận xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô.
Theo kiểm tra của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, đoạn sạt lở có chiều dài khoảng 200m. Khu vực này có 7 hộ dân sinh sống, với khoảng 44 nhân khẩu. Trong đó, 3 hộ đã bị đổ sập các công trình phụ và chuồng trại chăn nuôi. Đặc biệt, vị trí sạt lở nguy hiểm nhất cách chân đê tả Lô khoảng 30m và đang có dấu hiệu tiếp tục ăn sâu vào khu vực chân đê, gây nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến an toàn của đê tả Lô.
Nguyên nhân dẫn đến sạt lở được xác định là do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 khiến mực nước sông Lô dâng cao. Khu vực bãi sông thuộc thôn Hồng Đường, xã Bạch Lưu đã bị ngập sâu 2 - 3m trong nhiều ngày, kết hợp với địa chất bãi sông chủ yếu là đất pha cát không có độ kết dính nên khi nước rút đã gây ra sạt lở nghiêm trọng.
Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, sự cố này đe dọa trực tiếp đến an toàn của đê tả Lô, vốn có nhiệm vụ bảo vệ một khu vực rộng lớn thuộc các huyện Sông Lô và Lập Thạch, với diện tích bảo vệ lên tới 14.123ha và dân số khoảng 164.879 người. Ngoài ra, sạt lở còn đe dọa trực tiếp đến các khu dân cư sinh sống ngoài bãi sông. Chính quyền địa phương đã khẩn cấp sơ tán người dân và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định xây dựng công trình khẩn cấp để xử lý sự cố tại đoạn từ K0+650 đến K0+850 trên đê tả Lô, nhằm kịp thời khắc phục sự cố và bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Trong quá trình thi công, tỉnh yêu cầu UBND huyện Sông Lô đặt biển cảnh báo và khoanh vùng cấm người và phương tiện ra vào khu vực sạt lở. Đồng thời, lực lượng chức năng sẽ trực 24/24 giờ tại khu vực xảy ra sự cố cho đến khi việc xử lý hoàn tất.
Phú Thọ
Tỉnh này cũng xảy ra sạt lở trên bờ đê sông Lô, thuộc huyện Đoan Hùng, với chiều dài khoảng 100m. Tình trạng sạt lở ảnh hưởng đến các xã Vụ Quang, Hùng Long và Hùng Xuyên, với tổng khối lượng đất bị trôi khoảng 30.000m3.
Tuyến kè bờ sông tại phường Bạch Hạc, phố Phong Châu cũng bị sạt lở, khiến địa phương phải tổ chức công tác cứu hộ khẩn cấp để ngăn chặn thiệt hại lớn hơn. Trước tình huống này, tỉnh đã ban bố tình huống khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Hòa Bình
Ông Bùi Văn Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai do sạt lở đất, đá tại hai khu vực xóm Rài, xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn và xóm Rằng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc.
Tại xóm Rài, xã Tuân Đạo, sau đợt mưa lũ vào tháng 10/2017, khu vực này đã xảy ra hiện tượng sụt lún và hư hỏng một số nhà cửa. Đến năm 2024, sau khi chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 và những đợt mưa lớn kéo dài, nhiều vết nứt, sụt lún mới tiếp tục xuất hiện. Các vết nứt này có chiều dài từ 1 - 3m, độ sâu từ 2 - 3m, kéo dài trên diện tích khoảng 800m. Phạm vi ảnh hưởng của sụt lún lên đến 7ha, bao gồm nhiều vết nứt nhỏ khác.
Sự cố này đã ảnh hưởng đến 111 hộ dân với 539 nhân khẩu, trong đó, khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng buộc phải di dời khẩn cấp 60 hộ với 278 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm. Nhiều ngôi nhà đã xuất hiện vết nứt và sụt lún ở móng, có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Khối lượng đất đá có thể sạt xuống được ước tính lên tới 7 - 8 triệu m³, gây nguy hiểm trên diện rộng.
Tại xóm Rằng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, sau những trận mưa lớn, đã xuất hiện vết nứt kèm theo tiếng nổ lớn từ đồi Ao Ếch, phía sau khu vực dân cư, báo hiệu nguy cơ sạt trượt cao xuống khu vực này. Chính quyền địa phương ngay lập tức vận động 14 hộ dân với 61 nhân khẩu trong vùng nguy cơ cao di dời đến nơi an toàn.
Sáng ngày 13/9, các vết nứt và sụt lún tiếp tục xuất hiện, đặc biệt ở những vị trí dạng bậc thang, với điểm sạt lở cao nhất lên tới 200m và cung trượt dài khoảng 500m. Khối lượng đất đá sạt trượt rất lớn, buộc chính quyền phải tiếp tục di dời toàn bộ 30 hộ dân với 126 nhân khẩu còn lại trong ngày.
Đối với học sinh tại Trường Rằng, UBND huyện Đà Bắc đã chỉ đạo Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) xóm Rằng sắp xếp cho học sinh tiểu học học tại điểm Trường Sơn Phú, còn học sinh mầm non được chuyển đến điểm trường xóm Sèo.
Hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các huyện Lạc Sơn và Đà Bắc tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ổn định chỗ ở cho người dân tại nơi di dời, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt thiết yếu. Đồng thời, chính quyền cũng yêu cầu các lực lượng chức năng theo dõi sát sao diễn biến sạt lở, căng dây và cắm biển cảnh báo, ngăn chặn người dân quay trở lại nơi ở cũ khi chưa có sự đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Bắc Giang
Tình huống khẩn cấp đã được tỉnh công bố sau khi xảy ra sạt lở núi Y Sơn tại xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa vào ngày 18/9. Cung trượt dài 100m và nhiều vết nứt xuất hiện đe dọa đến 10 hộ dân và một trường học. Chính quyền đã triển khai các biện pháp khắc phục như phát quang cây cối, cắm biển cảnh báo và theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở để bảo vệ an toàn cho người dân.
Ngoài các tỉnh trên, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang và Thái Nguyên cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp thiên tai do sạt lở đất sau bão Yagi, với mục tiêu đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản trước những diễn biến phức tạp của thời tiết.