Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các hoạt động du lịch đã hồi phục lại như cũ, thậm chí còn có phần sôi động hơn. Tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM, lượng khách quốc tế đến rất đông. Điều này dẫn đến, số lượng ô tô vận tải hành khách cỡ lớn trên đường tăng.
Ghi nhận tại các tuyến đường trên phố cổ Hà Nội, vào buổi sáng, số lượng loại xe này xuất hiện với tần suất cao, gây trở ngại cho các phương tiện giao thông khác, thậm chí nhiều đoạn đường còn bị ùn tắc cục bộ.
Chị Vũ Thị Mai Anh (Hoàn Kiếm) cho biết, thời gian gần đây, chị luôn bị ùn tắc khi qua các con đường trong phố cổ vào buổi sáng đi làm vì có rất nhiều xe ô tô cỡ lớn đón khách du lịch. Những chiếc xe này dừng đỗ đã chiếm hết một nửa làn đường. Theo chị, nên sử dụng phương tiện trung chuyển du khách từ phố cổ ra các bãi xe để tránh ùn tắc vì đường trong phố cổ khá nhỏ hẹp.
Nội dung này cũng đã được đề cập đến trong buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 17 HĐND TP. Hà Nội khóa XVI của đoàn đại biểu HĐND thành phố quận Hoàn Kiếm vào ngày 13/6.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Hữu Cử (phường Hàng Đào, Hoàn Kiếm) đề xuất, nên bố trí xe buýt loại nhỏ hoạt động từ 5h đến 8h và từ 16h đến 20h để đưa đón khách gửi xe nhằm giảm mật độ giao thông ở khu vực phố cổ. Bên cạnh đó, thành phố bố trí quỹ đất ngoài đê sông Hồng hoặc một số nơi khác để làm bãi đỗ xe máy, ô tô cho người dân.
Cử tri Nguyễn Hữu Cử còn phản ánh tình trạng khách du lịch đến Hà Nội ngày càng đông, đặc biệt là khách nước ngoài, tuy nhiên nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn còn thiếu, không đáp ứng được nhu cầu nhất là ở các tuyến phố. Do đó, ông đề nghị thành phố quan tâm xây dựng thêm nhà vệ sinh công cộng trên một số tuyến phố.
Trả lời kiến nghị của cử tri, ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đã đề xuất thành phố quy định hạn chế ô tô vào phố cổ, cũng như hạn chế xe buýt đi vào các trục xuyên tâm. Đề xuất này nhằm giảm mật độ phương tiện giao thông ở khu vực phố cổ.
Theo ông Phạm Tuấn Long, sau khi mở các tuyến phố đi bộ, tình hình giao thông trên địa bàn quận vào cuối tuần có một số điểm ùn tắc nhất định. Để giải quyết tình trạng này, quận đã phối hợp tiến hành nghiên cứu lại việc tổ chức giao thông trên địa bàn.
Ông Phạm Tuấn Long cũng cho hay, trước mắt triển khai bố trí giao thông tĩnh ở phần ngầm như vườn hoa ở Nhà hát Lớn, quảng trường 1/5... Cùng với đó, quận điều chỉnh một số điểm ùn tắc cục bộ, tăng cường xe buýt nhỏ đi vào trung tâm của quận.
Với kiến nghị bổ sung thêm nhà vệ sinh công cộng, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, trên địa bàn quận hiện có 55 nhà vệ sinh công cộng nhưng nhiều công trình đã xuống cấp, một số vị trí chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng. Quận Hoàn Kiếm hiện tại đang sắp xếp lại các vị trí nhằm bảo đảm phục vụ du khách thuận tiện nhất. Song song, tiếp tục duy trì những nhà vệ sinh công cộng đang có và cải tạo, kêu gọi cả nguồn xã hội hóa.
Ngoài nội dung trên, tại buổi tiếp xúc này, cử tri quận Hoàn Kiếm còn nêu một số ý kiến, kiến nghị liên quan đến vấn đề trật tự đô thị, giải phóng mặt bằng triển khai dự án, tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các gia đình chính sách…
Thay mặt tổ đại biểu, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Ông cho biết, đây là những ý kiến sâu sắc, cụ thể, trách nhiệm. Bộ phận thư ký sẽ tổng hợp đầy đủ, chuyển đến các cơ quan của thành phố có trách nhiệm trả lời.
Trước một số kiến nghị cụ thể của cử tri, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội cho biết, thành phố đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho giao thông để giải quyết vấn đề ùn tắc. Trong đó, thành phố tập trung triển khai quy hoạch bãi đỗ xe ngầm, giao Sở Giao thông Vận tải rà soát luồng tuyến xe buýt cho phù hợp.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị các sở, ngành rà soát lại những nội dung đã hứa, đã cam kết với cử tri tại các cuộc tiếp xúc trước đó để trả lời, giải quyết dứt điểm nhằm thực hiện có trách nhiệm, hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri.
Thông tin tới cử tri về nội dung Kỳ họp thứ 17 HĐND TP. Hà Nội (dự kiến diễn ra từ ngày 1 - 5/7), ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, khi Luật Thủ đô sửa đổi được Quốc hội thông qua, thẩm quyền phân cấp giao cho thành phố lớn với khối lượng công việc nhiều hơn. Do đó, tại kỳ họp này, HĐND TP. Hà Nội sẽ xem xét thông qua Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô; vấn đề phòng cháy, chữa cháy cùng nhiều cơ chế chính sách liên quan đến an sinh xã hội trên địa bàn.