Hà Nội phát hiện hàng nghìn iPhone, iPad không rõ nguồn gốc bán trên TikTok

Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), đơn vị này vừa phối hợp với lực lượng công an, phát hiện một kho hàng iPhone, iPad “khủng” không rõ nguồn gốc xuất xứ, chuyên bán trên nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop. Trước đó không lâu, Apple vừa có yêu cầu cấm các đại lý chính hãng bán sản phẩm của mình trên nền tảng này.

Kho hàng được phát hiện tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn (TP.Hà Nội). Đoàn kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường và công an đã phát hiện và ghi nhận khoảng 2.000 chiếc máy tính bảng, điện thoại iPhone và các thiết bị điện tử, đồ gia dụng, quần áo…. do nước ngoài sản xuất nhưng có dấu hiệu không có hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định... Kho hàng này được đăng ký tại địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại và Quản lý chuỗi cung ứng quốc tế, do ông Nguyễn Ngọc Cương làm Giám đốc.

Hiện, cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ về vụ việc.

iphone-ipad-nhap-lau-1717714650.jpg

Số lượng iPhone, iPad lên tới 2.000 chiếc được phát hiện tại kho hàng ở xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội không có tem mác, nguồn gốc xuất xứ, không đáp ứng được các yêu cầu về hàng hóa nhập ngoại.

Trước đó, người tiêu dùng Việt đặc biệt quan tâm khi Apple ra “tối hậu thư” buộc các đại lý ủy quyền chính hãng không được bán các sản phẩm gồm iPhone, iPad trên sàn thương mại điện tử TikTok. Một trong những lý do quan trọng khiến hãng phải đưa ra quyết định này là việc sản phẩm xuất hiện trong những phiên livestream “trăm tỷ”, bán chung với các sản phẩm có giá trị không cao như tã bỉm, quần áo, hàng tiêu dùng khác… Theo các nhà quan sát, điều này có thể vô tình làm ảnh hưởng tới giá trị của thương hiệu.

iphone-ipad-nhap-lau-1717714766.jpg

Kho hàng "ngoại" khổng lồ bị lực lượng chức năng phát hiện, không chỉ có iPhone, iPad mà còn nhiều hàng điện tử, sản phẩm tiêu dùng, quần áo,..nhập ngoại có biểu hiện không có giấy tờ nguồn gốc xuất xứ.

Với vụ việc vừa được phát hiện, rõ ràng chứng minh sự e ngại của “Nhà Táo” là hoàn toàn có căn cứ khi kiểm soát chặt chẽ các hình ảnh, sản phẩm của mình trên sàn thương mại điện tử này. Nếu số lượng hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo về chất lượng sản phẩm kể trên được bán ra tới tay người tiêu dùng, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của thương hiệu.

Theo các chuyên gia, so với nhiều sàn thương mại điện tử kỳ cựu ở Việt Nam, Apple và những nhà phân phối của mình chưa có các quy định ràng buộc cụ thể về việc xuất hiện trên sàn TikTok Shop. Việc cấm các đại lý ủy quyền bán hàng ở thời điểm hiện tại, có thể là một biện pháp để hãng rà soát các thông tin có liên quan, hỗ trợ cơ quan chức năng trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ trên sàn, từ đó mở đường cho lần quay trở lại sau đó tốt hơn.

Dù vậy, khả năng các sản phẩm chính hãng của Apple cũng sẽ sớm xuất hiện trở lại trên TikTok Shop. Được biết, Apple cũng đang làm việc với một số đại lý ủy quyền, đàm phán các điều kiện để đưa sản phẩm lên sàn và sớm cung cấp tới người tiêu dùng.

Liên quan tới vụ bắt giữ 2.000 iPhone, iPad không rõ nguồn gốc xuất xứ, từ 29/2/2024, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường) cũng đã ký thành lập Tổ chuyên trách về thương mại điện tử - thuộc đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Chỉ sau 2 tháng thực hiện, Tổ công tác tác phát hiện, xử lý 9 vụ vi phạm lớn trên các sàn thương mại điện tử với số tiền, trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy lên tới gần 2 tỷ đồng.