Hà Nội: Xây dựng lộ trình rõ ràng để cải thiện không khí khu vực nội đô

Anh Nguyễn Văn Hòa rất ủng hộ đề xuất hạn chế, tiến tới thay thế hoàn toàn phương tiện chạy bằng xăng dầu gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, với 10 năm kinh nghiệm lái taxi, anh cho rằng các cơ quan chức năng cần có lộ trình cụ thể, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến đời sống của các gia đình, đặc biệt là những hộ gia đình phụ thuộc vào xe máy cho công việc hàng ngày.

Cần thiết giảm thải ô nhiễm vùng lõi

Hà Nội từng chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm tại thành phố gồm: Khí thải từ ô tô, xe máy; việc đun bếp than tổ ong, đốt củi; hoạt động xây dựng, phá dỡ công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi từ hệ thống thoát nước chưa qua xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi; đốt rơm rạ, rác thải; việc thu gom rác chưa hiệu quả; tình trạng ô nhiễm ở ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trong thành phố và các tỉnh lân cận; cùng tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.

cam-xe-1731215426.jpeg
Để cải thiện chất lượng không khí, Hà Nội mới đây đã đưa ra vùng phát thải thấp

Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân mà còn tác động đến an sinh xã hội và phát triển kinh tế. Hà Nội có tổng diện tích rộng lớn, trên 3.000 km², nhưng phần lớn dân cư tập trung sinh sống ở khu vực trung tâm, dẫn đến mức độ ô nhiễm trong nội đô rất cao. Giảm mật độ dân cư ở đây là yếu tố then chốt để cải thiện chất lượng không khí cho khu vực này. Tuy nhiên, việc phân bổ lại dân cư gặp nhiều khó khăn do các lợi ích kinh tế phức tạp đan xen.

Phần lớn các trường đại học và bệnh viện lớn vẫn chưa được di dời ra ngoại ô. Trong khi đó, một số nhà máy hoặc cơ quan đã di dời lại được thay thế bằng các chung cư cao tầng, tiếp tục tăng mật độ dân cư trong nội đô.

Do đó để cải thiện chất lượng không khí, Hà Nội mới đây đã đưa ra vùng phát thải thấp. Trong các nguyên nhân, giao thông được cho là chiếm tới 56% mức độ ô nhiễm. Hiện nay, Hà Nội có hơn 1 triệu ô tô và hơn 6 triệu xe máy, hầu hết chạy bằng động cơ đốt trong, tạo ra khói độc và bụi mịn gây hại. Vùng phát thải thấp là khu vực hạn chế hoặc kiểm soát phương tiện lưu thông dựa trên mức khí thải nhằm mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm không khí và nâng cao chất lượng không khí đô thị.

Đại diện Phòng Quản lý Môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, dự thảo đưa ra các tiêu chí, điều kiện và lộ trình xây dựng vùng phát thải thấp để các quận, huyện, thị xã có thể áp dụng tùy theo điều kiện kinh tế và xã hội của mình. Mục tiêu chính của quy định này là cải thiện chất lượng không khí, giảm ùn tắc giao thông và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Về ý kiến lo ngại rằng việc hạn chế phương tiện như xe máy có thể ảnh hưởng đến sinh kế của một số người dân, đại diện Phòng Quản lý Môi trường cho biết, năm 2021, Sở TN&MT đã xây dựng chương trình kiểm soát khí thải xe máy. Hơn 5.000 xe máy đã được kiểm tra, với kết quả hơn 50% không đạt mức khí thải cho phép. Hơn 3.000 người sử dụng xe máy đã được phỏng vấn và trên 90% sẵn sàng trả 50.000 đồng mỗi lần để kiểm tra khí thải.

Các xe máy quá niên hạn sử dụng (trên 17 - 20 năm) có độ an toàn thấp và gây ô nhiễm nhiều hơn, đồng thời chi phí nhiên liệu cao hơn cho người dùng. Bên cạnh đó, thành phố có thể nghiên cứu chính sách hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, có thể trợ giá để họ chuyển đổi sang phương tiện ít ô nhiễm hơn.

cam-xe-1-1731215426.jpg
Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân mà còn tác động đến an sinh xã hội

Không để ảnh hưởng đến đời sống người dân

Anh Nguyễn Văn Hòa - tài xế taxi tại Hà Nội chia sẻ, không khí ở Hà Nội hiện nay khá ngột ngạt, đặc biệt vào giờ cao điểm khi lượng phương tiện gia tăng. Do đó, anh rất ủng hộ đề xuất hạn chế, tiến tới thay thế hoàn toàn phương tiện chạy bằng xăng dầu gây ô nhiễm môi trường. Anh mong sớm triển khai biện pháp này.

Tuy nhiên, với 10 năm kinh nghiệm lái taxi, anh Hòa cho rằng các cơ quan chức năng cần có lộ trình cụ thể, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến đời sống của các gia đình, đặc biệt là những hộ gia đình phụ thuộc vào xe máy cho công việc hàng ngày.

Luật sư Hà Thị Khuyên - Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích, việc thí điểm hạn chế phương tiện gây ô nhiễm tại quận Hoàn Kiếm là một bước đi phù hợp nhằm xây dựng một thành phố xanh, sạch, đẹp. Cần có biện pháp kiểm soát các phương tiện không đạt tiêu chuẩn, đã hết niên hạn sử dụng, gây ô nhiễm không khí và tiếng ồn.

Hiện nay, phần lớn người dân Hà Nội, đặc biệt là những người có mức sống thấp, vẫn phụ thuộc vào xe máy làm phương tiện mưu sinh. Do đó, theo luật sư Khuyên, khi nghiên cứu áp dụng quy định cấm xe máy trong khu vực nội thành, cần đánh giá tác động cụ thể để đưa ra đề xuất phù hợp.

Trong dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn thành phố, Hà Nội cũng đã đưa ra lộ trình thực hiện.

Theo đó, thành phố dự kiến sẽ chọn một khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm để thí điểm vùng phát thải thấp giai đoạn 2025 - 2030; qua đó đánh giá hiệu quả và đề xuất nhân rộng mô hình này tại các địa phương khác.

Thời gian thí điểm, thành phố sẽ cấm xe tải hạng nặng chạy dầu diesel lưu thông trong vùng phát thải thấp, ưu tiên các phương tiện ô tô đạt tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe máy đạt tiêu chuẩn mức 2. Toàn bộ xe buýt thay mới, đầu tư mới tại Hà Nội sẽ sử dụng điện hoặc năng lượng xanh, với tỷ lệ vận tải hành khách công cộng trong vùng phát thải thấp đạt từ 45-50%.

Các tổ chức, cá nhân sống và làm việc trong vùng phát thải thấp sẽ được áp dụng lộ trình chuyển đổi phương tiện phát thải thấp hoặc đạt chuẩn khí thải trong 12 tháng; thành phố cũng sẽ phát triển cơ sở hạ tầng sạc điện phục vụ nhu cầu người dân và doanh nghiệp trong khu vực.

Giai đoạn 2031 - 2035, Hà Nội khuyến khích các địa phương thiết lập vùng phát thải thấp dựa trên các tiêu chí và điều kiện phù hợp. Thành phố đặt mục tiêu ít nhất 50% phương tiện sử dụng điện hoặc năng lượng xanh; 100% taxi thay mới sẽ sử dụng điện hoặc năng lượng xanh trong vùng phát thải thấp. Hà Nội cũng sẽ hoàn thiện hạ tầng sạc điện và cung cấp năng lượng xanh cho khu vực này.

Từ năm 2036 trở đi, Hà Nội yêu cầu các khu vực có mức ô nhiễm không khí cao đầu tư và đảm bảo điều kiện để triển khai vùng phát thải thấp. Giai đoạn này, 100% xe buýt và taxi sẽ sử dụng điện hoặc năng lượng xanh, các bến xe và trạm dừng nghỉ đạt tiêu chuẩn xanh, và toàn bộ máy móc, thiết bị xếp dỡ chuyển sang sử dụng năng lượng sạch hoặc năng lượng xanh.