Hàng chục nghìn căn hộ tại TP. HCM sắp được "chính danh"

Phó chủ tịch UBND TP. HCM Bùi Xuân Cường vừa ban hành kế hoạch thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) cho các tổ chức, cá nhân tại các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố.

Mục tiêu của kế hoạch là kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng và đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà. Kế hoạch được triển khai qua 3 giai đoạn.

Tiến độ cấp sổ hồng được cụ thể từng giai đoạn

Trong giai đoạn 1, thành phố sẽ thành lập Tổ công tác và hoàn tất việc rà soát, thu thập số liệu và hồ sơ pháp lý, đồng thời công bố kết quả thống kê danh mục các dự án nhà ở thương mại. Việc thành lập Tổ công tác sẽ hoàn tất trước ngày 4/10, còn quá trình rà soát và thu thập hồ sơ phải hoàn thành trước ngày 23/10.

Ở giai đoạn 2, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì việc phân loại các khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Việc xác định và thông qua các giải pháp tháo gỡ sẽ hoàn tất trước ngày 8/11, còn việc công bố số lượng dự án nhà ở thương mại thuộc các nhóm vướng mắc phải hoàn thành trước ngày 15/11.

Giai đoạn 3 sẽ tập trung vào việc thực hiện các giải pháp và giải quyết việc cấp sổ hồng cho người mua nhà, dự kiến diễn ra từ tháng 11 đến hết tháng 12.

chung-cu-lexington-residence-1727485340.jpg
Cư dân chung cư Lexington Residence với hơn 1.300 căn hộ đã dọn vào từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa có sổ hồng

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, đến tháng 3 năm nay, toàn thành phố vẫn còn 59.000 căn hộ trong các dự án chưa được cấp sổ hồng. Nguyên nhân chính là do chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ, pháp lý cho các loại bất động sản mới như officetel, shophouse chưa hoàn chỉnh, hoặc căn hộ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung hay đang trong diện thanh tra, điều tra.

Tính đến tháng 6, thành phố đã cấp sổ hồng cho 22.147 căn nhà. Tuy nhiên, TP. HCM vẫn còn nhiều căn hộ chưa đủ điều kiện cấp sổ do dự án đang thế chấp ngân hàng hoặc có vi phạm trong xây dựng. Điều này khiến nhiều người mua nhà, dù đã nhận bàn giao và vào ở ổn định trong nhiều năm, vẫn chưa được nhận sổ hồng. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường bất động sản, quyền lợi của người dân và uy tín của các chủ đầu tư.

Bên cạnh việc lập tổ công tác, Phó chủ tịch Bùi Xuân Cường cũng đã chỉ đạo thực hiện đồng thời các công tác phù hợp với từng giai đoạn như: giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận cho các dự án thông qua các phản ánh và kiến nghị từ chủ đầu tư cùng ban quản trị các khu nhà và chung cư đã được đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa hoàn thành thủ tục.

Đồng thời, ông cũng chỉ đạo tiếp tục thực hiện các giải pháp đối với 6 nhóm vướng mắc đã được Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng trước đó và đề xuất kế hoạch chi tiết để cải thiện nguồn lực phục vụ đăng ký cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra, UBND cũng chỉ đạo công khai, minh bạch thông tin các dự án, bao gồm tình trạng đầu tư, xây dựng, vi phạm và tiến độ cấp giấy chứng nhận.

Cư dân mong ngóng

Trước thông tin TP. HCM đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng tại các dự án nhà ở thương mại, nhiều cư dân sống thấp thỏm tại các căn hộ thiếu chính danh không khỏi vui mừng.

Chị Dương Thị Thanh Lưu, cư dân tại chung cư Saigon Gateway (TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết đã mua căn hộ nhiều năm nhưng vẫn chưa nhận được sổ hồng. Tình trạng này cũng xảy ra với hơn 900 căn hộ khác trong chung cư. Theo lời chị Lưu, cư dân đã vào ở từ tháng 9/2019, hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư, bao gồm việc đóng 95% giá trị căn hộ, nhưng sổ hồng vẫn chưa được cấp.

chung-cu-m-one-nam-sai-gon-1727485442.jpg
Chung cư M-One Nam Sài Gòn, một số hộ từng được cấp sổ hồng, nhưng sau đó quá trình cấp sổ tạm dừng do chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung

“Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người mua, như việc tài sản bị giảm giá trị, không thể thế chấp ngân hàng để giao dịch, và không có tính hợp pháp ngay trong nơi ở của mình," chị Lưu chia sẻ về hàng loạt thiệt hại và bày tỏ mong muốn sự chờ đợi mỏi mòn này sớm chấm dứt.

Tương tự,  trường hợp của bà Nguyễn Thụy Tường Vy, cư dân tại block A1 chung cư Opal Riverside (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, đã mua căn hộ từ năm 2018 nhưng vẫn chưa nhận được giấy hồng. Mỗi lần thực hiện thủ tục liên quan đến quyền sở hữu nhà, bà đều phải xin xác nhận từ chủ đầu tư để chứng minh rằng mình là chủ sở hữu căn hộ và chưa được cấp giấy hồng.

Khi đăng ký thường trú, người dân phải chuẩn bị một loạt hồ sơ, bao gồm bản vẽ, hợp đồng mua bán, xác nhận của chủ đầu tư và biên bản bàn giao nhà để chứng minh nơi cư trú hợp pháp. Ngoài ra, nếu cha mẹ muốn tặng nhà hoặc lập di chúc, họ cũng phải nhờ đến chủ đầu tư.

Trong trường hợp muốn bán căn hộ, chủ cũ cần có giấy xác nhận từ chủ đầu tư rằng họ là chủ sở hữu, sau khi bán cho chủ mới, chủ đầu tư sẽ xác nhận lại quyền sở hữu cho người mới. Dù căn hộ có giá trị lên đến vài ba tỷ, nhưng hiện tại chỉ một ngân hàng liên kết với chủ đầu tư chấp nhận duyệt hồ sơ thế chấp vay với lãi suất khá cao và chỉ hỗ trợ vay khi thế chấp căn hộ để mua chính căn hộ đó.

Tương tự Saigon Gateway, tại TP Thủ Đức, cư dân chung cư Lexington Residence với hơn 1.300 căn hộ đã dọn vào từ năm 2015, và cư dân chung cư 4S Linh Đông từ năm 2014 đến nay vẫn chờ sổ hồng. Hay như chung cư M-One Nam Sài Gòn, một số hộ từng được cấp sổ hồng, nhưng sau đó quá trình cấp sổ tạm dừng do chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung. 

Bên cạnh những niềm vui vẫn có ý kiến bày tỏ sự lo ngại vì cho rằng, sổ hồng chung cư vẫn luôn là vấn đề thời sự, khi mà hàng loạt khó khăn và vướng mắc cũ chưa được giải quyết thì đã xuất hiện thêm nhiều yếu tố và vấn đề mới. Cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân và phân nhóm hàng trăm dự án để xử lý. Điều này cho thấy "thế giới sổ hồng" phức tạp đến mức nào. Mặc dù việc "bắt mạch" đã hoàn tất, nhưng việc "kê đơn" lại không hề đơn giản.