787 dự án nhà ở thương mại tại Hà Nội đã được cấp sổ hồng

Tỷ lệ cấp sổ hồng cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở của Hà Nội đạt 86,28%, tương đương 317.808 căn tại 787 dự án. Trong đó, từ 1/1-20/6/204 đã cấp cho 4.254 căn.

Đây là số liệu được Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam cho biết tại hội nghị giao ban quý II/2024 của Thành ủy Hà Nội. Tại hội nghị, ông Nam đã báo cáo về kết quả cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (thường được gọi là sổ đỏ hoặc sổ hồng) trên địa bàn thành phố.

Vẫn còn nhiều căn hộ bị "treo" sổ

Ông Nam cho biết, đến nay, tổng số thửa đất cần đăng ký, cấp sổ đỏ lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư trên địa bàn là gần 1,7 triệu thửa. Trong đố này, số thửa đã kê khai, đăng ký đất đai và cấp sổ đỏ là đạt 99,6%. Về cấp sổ đỏ cho người mua nhà tái định cư, đã cấp được 14.798 căn, đạt 94,11%. Cấp sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân sau đồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp được 617.964, đạt 99,21%...

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, Hà Nội vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác cấp sổ đỏ. Một số quận, huyện hiện nay đang ở bước tiếp tục tiếp nhận và xử lý đơn đăng ký của người dân; chưa thẩm định xong hồ sơ cấp sổ đỏ lần đầu.

chung-cu-k-duoc-cap-so-do-1719661407.jpeg
Nhiều căn hộ chung cư vẫn chưa được cấp sổ hồng do nhiều nguyên nhân

Cũng liên quan đến công tác cấp sổ của Hà Nội, tại buổi giải trình về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, nhiều đại biểu cho biết UBND TP Hà Nội chưa trả lời thỏa đáng nhiều vấn đề, chưa rõ tiến độ giải quyết, một trong số đó là vấn đề liên quan đến việc hàng chục nghìn căn chung cư vẫn trong tình trạng “treo” sổ.

Bà Hồ Thị Vân Nga – Trưởng ban kinh tế, ngân sách HĐND Hà Nội dẫn chứng kiến nghị liên quan đến chung cư G4 (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), chung cư CT6 và 16B Nguyễn Thái Học (quận Hà Đông), hay cư dân khu nhà HH Linh Đàm (Q.Hoàng Mai)... chưa được cấp sổ đỏ.

Bà Nga cho rằng, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người mua nhà như không được nhập hộ khẩu, khó thấp chấp vay vốn ngân hàng, chuyển nhượng. Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cần cho biết cụ thể sẽ làm gì để giải quyết dứt điểm những tồn tại này.

Trả lời vấn đề này, ông Lê Thanh Nam cho biết, hiện toàn thành phố có 206 dự án còn vướng mắc do sai phạm về quy hoạch, tự ý chuyển đổi công năng, nghĩa vụ tài chính…Tổng số căn hộ của các dự án này đạt khoảng 62.000 căn, có 33.000 căn đã được đề nghị cấp trước giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn lại 29.000 căn đang chờ xử lý.

Chủ đầu tư sắp hết đường “bát nháo”

Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, người mua nhà là bên vô can, lẽ ra phải được cấp sổ hồng trước, còn nghĩa vụ tài chính phát sinh là quan hệ giữa chủ đầu tư dự án với Nhà nước.

Theo luật sư Nguyễn Doãn Hùng – Giám đốc Công ty Luật HTC Việt Nam, việc người dân mua căn hộ chung cư và chuyển vào ở nhiều năm nhưng vẫn chưa được bàn giao sổ hồng thì rõ ràng đây là hành vi vi phạm pháp luật của chủ đầu tư.

Luật Nhà ở sửa đổi vừa được thông qua hiệu lực thi hành vào ngày 1/8/2024 đã chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi người mua hoặc thuê căn hộ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sở hữu.

can-ho-1719661553.jpg
Chủ đầu tư phải có trách nhiệm khắc phục các vi phạm làm ảnh hưởng đến dự án để đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận cho người mua

Theo đó, trong thời hạn 50 ngày kể từ khi bàn giao, chủ đầu tư phải nộp hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp sổ hồng cho người mua. Cơ quan Nhà nước phải làm rõ các hành vi vi phạm của chủ đầu tư và trách nhiệm của ban, ngành có liên quan trong quá trình thực hiện dự án đến khi bán nhà cho khách hàng nhằm giải quyết triệt để các vi phạm.

Chủ đầu tư phải có trách nhiệm khắc phục các vi phạm làm ảnh hưởng đến dự án để đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận cho người mua, trường hợp không có thì phải hoàn trả và bồi thường 

Ngoài ra, luật sư Nguyễn Doãn Hùng cũng cho biết, chủ đầu tư nào chậm bàn giao sổ hồng cho người mua nhà từ sau 50 ngày đến 6 tháng sẽ bị phạt tiền đến 100 triệu đồng; chậm từ 6-9 tháng sẽ bị phạt đến 300 triệu đồng; chậm 9-12 tháng phạt từ 50-500 triệu đồng, chậm từ 1 năm trở lên sẽ bị phạt đến 1 tỉ đồng.