Thuận tiện cho cả người dân và cảnh sát giao thông
Từ ngày 1/7/2024, theo Thông tư số 28/2024/TT-BCA của Bộ Công an, người dân có thể sử dụng ứng dụng VNeID để xuất trình các giấy tờ liên quan đến người lái xe và phương tiện khi bị Cảnh sát giao thông kiểm tra, thay vì phải mang theo giấy tờ bản cứng như trước. Quy định mới không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, mà còn mang lại sự thuận tiện cho cả người dân lẫn lực lượng chức năng.
Sau hơn 4 tháng triển khai, quy trình xử lý vi phạm giao thông qua VNeID đã chứng minh hiệu quả vượt trội, nhanh chóng và tiện lợi hơn nhiều so với phương pháp truyền thống. Nhiều người vi phạm giao thông đã dần quen với việc xuất trình giấy tờ qua ứng dụng.
Như vào chiều 16/11, khi di chuyển trên đường Nguyễn Tuân - Lê Văn Lương (Hà Nội), anh N.V.T (SN 1986, quê Thái Bình) bị lực lượng cảnh sát giao thông dừng xe vì vi phạm không đội mũ bảo hiểm. Thay vì xuất trình giấy tờ vật lý, anh T. đã mở ứng dụng VNeID. Anh T. cho hay đã biết về Thông tư 28 từ lâu và luôn sử dụng ứng dụng của Bộ Công an để thay thế giấy tờ gốc nhằm bảo đảm an toàn khi ra đường.
Tương tự, nữ sinh viên T.T.N (quận Cầu Giấy, Hà Nội) khi bị xử lý vì đi xe máy ngược chiều cũng đã xuất trình giấy tờ trên ứng dụng VNeID. Nữ sinh chia sẻ, tích hợp đầy đủ giấy đăng ký xe và bằng lái trên ứng dụng giúp cô cảm thấy an tâm hơn, không còn lo lắng về việc quên giấy tờ.
Khi người vi phạm như anh T. và nữ sinh N. xuất trình giấy tờ điện tử, lực lượng CSGT ngay lập tức tra cứu thông tin qua hệ thống của Cục CSGT để kiểm tra tình trạng giấy tờ. Nếu giấy tờ đã bị tạm giữ hay tước tại địa phương khác, ứng dụng VNeID sẽ hiển thị thông báo màu đỏ. Trong trường hợp này, dù người vi phạm có trình giấy tờ bản cứng cũng không được chấp nhận.
Quy trình xử lý vi phạm qua VNeID cũng nhanh gọn và thuận tiện hơn rất nhiều so với phương pháp truyền thống, đặc biệt là với người dân. Theo CSGT, khi tài xế vi phạm xuất trình thông tin giấy tờ qua ứng dụng, thời gian giải quyết thủ tục hành chính được rút ngắn đáng kể. Nếu công dân sử dụng dịch vụ công mức độ 4, họ còn có thể nộp phạt trực tuyến. Sau khi hết thời hạn xử lý, trạng thái tạm giữ giấy tờ trong ứng dụng VNeID sẽ tự động biến mất, trả lại tình trạng pháp lý ban đầu.
Điều này giúp người vi phạm không phải mất thời gian và công sức đến trực tiếp trụ sở CSGT để lấy lại giấy tờ như trước đây. Quan trọng hơn, việc sử dụng giấy tờ điện tử giảm thiểu tình trạng thất lạc hay đánh rơi giấy tờ khi mang theo bên mình.
Đại diện Phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết, mỗi tháng lực lượng chức năng xử lý hơn 100 hồ sơ vi phạm qua ứng dụng VNeID. Việc này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và công sức mà còn giúp phát hiện kịp thời các hành vi sử dụng giấy tờ giả.
Lý do chưa thể tích hợp
Khi Thông tư số 28/2024/TT-BCA mới được triển khai, các lực lượng chức năng đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng giấy tờ điện tử. Tuy nhiên, một số người dân vẫn duy trì thói quen xuất trình giấy tờ bản cứng, dù đã tích hợp đầy đủ vào VNeID và mang theo điện thoại di động.
Anh N.Đ.H (SN 1985, Nghệ An) dù sử dụng VNeID thường xuyên để giao dịch hành chính, nhưng khi bị yêu cầu xuất trình giấy tờ, anh vẫn đưa bằng lái xe vật lý có sẵn trong ví. Anh H cho biết, đăng nhập ứng dụng đôi khi hơi rắc rối, phải nhập nhiều mật khẩu và thay đổi mật khẩu định kỳ.
Hay anh P.Đ.L (SN 1990, Hà Tĩnh) bị xử lý vì vi phạm không đội mũ bảo hiểm. Do anh L. không mang giấy tờ vật lý nên CSGT yêu cầu mở VNeID. Nhưng khi đăng nhập, phần giấy tờ xe của anh L. lại trống dù tài khoản đã ở mức 2 (tự tích hợp được giấy tờ).
Bên cạnh đó, nhiều người dân cố gắng tích hợp giấy tờ mà không thành công. Anh D.B. (quận 3, TP. HCM) cho biết, bằng lái xe của anh được cấp bởi Phòng Quản lý Sát hạch và Cấp giấy phép lái xe Sở Giao thông vận tải TP. HCM. Tuy nhiên anh đã nhiều lần nhập thông tin giấy phép lái xe hạng A1 vào ứng dụng VNeID nhưng không được.
Về những trường hợp này, trao đổi trên Báo Tuổi Trẻ, thiếu tá Trần Duy Hiển - Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về Dân cư (Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - C06, Bộ Công an) cho biết, sau khi tài khoản định danh điện tử mức độ 2 được kích hoạt, người dân có thể tự tích hợp các giấy tờ cá nhân vào VNeID.
Tuy nhiên, trước khi giấy tờ như giấy phép lái xe có thể hiển thị trên ứng dụng, Bộ Công an phải gửi thông tin sang cơ quan cấp giấy tờ để xác thực. Sau khi xác minh, giấy tờ sẽ được xác nhận và hiển thị trên VNeID.
Thiếu tá Hiển giải thích, thực tế hiện nay, quá trình số hóa dữ liệu gốc tại một số bộ, ngành chưa hoàn thiện, dẫn đến tình trạng một số yêu cầu tích hợp của người dân không thành công. Khi Bộ Công an gửi yêu cầu tích hợp sang các đơn vị chủ quản cấp giấy tờ, nếu dữ liệu số hóa chưa đầy đủ, việc xác thực không thể thực hiện được, khiến giấy tờ không hiển thị trên VNeID.
Đại diện Phòng Quản lý Sát hạch và Cấp giấy phép lái xe cho biết, việc xác thực giấy phép lái xe không thành công như phản ánh là do lỗi trong phần mềm liên thông giữa các cơ quan. Quy trình hiện tại yêu cầu sau khi in giấy phép lái xe, toàn bộ dữ liệu sẽ được đưa lên cơ sở dữ liệu ngành để tiếp tục xử lý.
Một vấn đề nữa là trong khi việc xử phạt và tạm giữ giấy tờ trực tuyến khá thuận tiện ở khu vực thành thị, nhưng vùng nông thôn, đặc biệt là ở những khu vực sâu, xa, việc kết nối mạng và sóng điện thoại không ổn định gây trở ngại lớn cho quá trình thực hiện. Việc khắc phục nhanh chóng các khó khăn trên sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý và xử lý vi phạm giao thông, đồng thời bảo đảm an toàn giao thông tốt hơn trên các tuyến đường.