Từ ngày 1/8, người dân có thể thực hiện đăng ký xe lần đầu bằng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước trên Cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng VNeID. Theo đó, người dan không cần phải đưa xe đến cơ quan đăng ký xe để bấm chọn biển số, mà hoàn toàn có thể ngồi nhà thao tác trên ứng dụng VNeID, rồi nhận kết quả trả về qua bưu điện.
Điều này nhằm mục đích nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong công tác đăng ký, quản lý xe; đổi mới về phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính và kết trần Cổng Dịch vụ công, phục vụ người dân được tốt hơn.
Tại TP. HCM, sau 2 tháng triển khai việc đăng ký xe qua ứng dụng VNeID, Công an TP. HCM chỉ nhận được 96 hồ sơ đăng ký (11 hồ sơ ô tô và 85 hồ sơ xe máy), chiếm 0,24% tổng số hồ sơ. Dù nhận được những phản hồi tích cực giúp tiết kiệm thời gian và chi phí hơn so với việc đăng ký trực tiếp, nhưng con số hồ sơ thực nhận trên là quá ít cho một đô thị lớn như TP. HCM.
Lý giải về tình trạng này, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP. HCM cho biết, nhiều chủ xe sử dụng phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng chưa có bản cà số khung, số máy và chưa có dấu giáp lai của cơ sở sản xuất nên không thể nộp hồ sơ trực tuyến. Thêm vào đó, những người từ 15-18 tuổi không thể tự đăng ký xe qua cổng dịch vụ công và ứng dụng VNeID vì cần sự đồng ý của cha mẹ.
Ngoài ra, nhiều người dân vẫn chọn nộp trực tiếp tại cơ quan để tự bấm biển số và nhận ngay sau đó, cũng như lo ngại về việc lừa đảo hay mất tiền khi thanh toán trực tuyến.
Chị Nguyễn Hoàng Lan (quận 5, TP. HCM) chia sẻ, chị vẫn chưa quen với việc sử dụng các ứng dụng công nghệ như VNeID. Việc này khiến chị cảm thấy không tự tin khi tự mình bấm biển số xe qua điện thoại. Chị nghĩ vẫn cần có sự hỗ trợ trực tiếp từ các cán bộ để chắc chắn hơn về quy trình này.
Góp ý cho thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ này nhiều hơn, các chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng có thể thiết lập các quầy hỗ trợ trực tiếp tại các điểm đăng ký xe truyền thống để hướng dẫn người dân từng bước sử dụng ứng dụng. Bên cạnh đó có thể tích hợp các công cụ hỗ trợ cho người lớn tuổi như video hướng dẫn hoặc các nút trợ giúp dễ hiểu ngay trên giao diện của ứng dụng.
TP. HCM cần đẩy mạnh hơn các hoạt động tuyên truyền trên phương tiện truyền thông, từ báo chí đến mạng xã hội, nhằm đưa thông tin về VNeID đến gần hơn với công chúng. Các chiến dịch quảng bá này cần nhấn mạnh vào lợi ích thực tiễn mà người dân có thể nhận được từ việc sử dụng VNeID, chẳng hạn như giảm thời gian chờ đợi, tăng tính minh bạch trong quy trình, và khả năng theo dõi tiến trình xử lý hồ sơ một cách nhanh chóng.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết thêm, thời gian qua TP. HCM cũng đã thực hiện xử phạt vi phạm giao thông qua ứng dụng VNeID. Theo đó, có 40.883 trường hợp được kiểm tra thông tin giấy tờ trên VNeID. CSGT đã lập biên bản vi phạm hành chính 4.774 trường hợp (gồm 1.032 ô tô và 3.742 xe máy). Đã có 4.623 trường hợp bị tạm giữ giấy phép lái xe và đăng ký xe trên môi trường điện tử và 1.058 trường hợp bị tước giấy phép lái xe.
Tuy nhiên, Công an TP. HCM cũng đối mặt với một số khó khăn như nhiều người dân chưa tích hợp các loại giấy tờ vào ví điện tử qua định danh mức độ 2, hoặc điện thoại không kết nối internet. Một số người vi phạm không hợp tác khi được yêu cầu cung cấp giấy tờ trên ứng dụng VNeID vì đã xuất trình bản giấy, hoặc không nhớ mật khẩu đăng nhập.
Thời gian tới, Phòng CSGT TP. HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thấy tiện ích của việc sử dụng ứng dụng VNeID trong xử phạt hành chính.