Liên quan tới "phế" hoa hồng trên App Store, Apple lại thua kiện ở Anh

Với cáo buộc đã cắt "phế" hoa hồng không công bằng cho hơn 1.500 nhà phát triển của nước Anh khi mua ứng dụng và các nội dung khác, tòa án ở Anh đã bác bỏ yêu cầu từ chối bồi thường của Apple trong vụ kiện trị giá gần 1 tỷ USD trước đó.

Vụ kiện được đệ trình lên Tòa Phúc thẩm cạnh tranh (CAT) ở London vào năm ngoái với cáo buộc Apple tính phí hoa hồng không công bằng cho các nhà phát triển lên tới 30%. Giáo sư Luật Cạnh tranh và là nhà kinh tế học Sean Ennis đang dẫn đầu vụ kiện này.

apple-1713052988.jpg

Apple đang bị kiện và nhận được yêu cầu bồi thường cho các nhà phát triển tại Anh vì mức "phế" hoa hồng trên App Store không công bằng.

Theo các luật sư phía nguyên đơn, Apple đã lợi dụng vị thế thống trị của mình với App Store để phân phối các ứng dụng dành cho iPhone lẫn các thiết bị khác của hãng. Mức phí hoa hồng quá cao trên App Store cũng đã ảnh hưởng rất lớn đối với các nhà phát triển địa phương.

Mặc dù khẳng định 85% các nhà phát triển trên App Store không phải trả bất kỳ khoản hoa hồng nào, tuy nhiên Apple vẫn đang phải đối diện với những áp lực ngày càng gia tăng từ phía các cơ quan quản lý ở Mỹ và châu Âu về vấn đề này.

Tại Liên minh châu Âu, đạo Luật Kỹ thuật số mới đã cho phép người dùng được quyền lựa chọn và tải xuống các ứng dụng khác nhau, từ nhiều nhà cung cấp. Người dùng iOS và macOS đã có thể tải trực tiếp các ứng dụng từ website và các chợ ảo đối thủ của App Store ngay trên thiết bị của mình, không còn bị hạn chế như trước đó. Trong khi đó, tại Mỹ, các thay đổi lớn với App Store đã diễn ra sau cuộc chiến pháp lý kéo dài giữa Apple với Epic Game. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục lan sang các khu vực khác của thế giới trong thời gian tới.

Luật sư của Apple là Daniel Piccinin, đã lập luận tại phiên điều trần vào tháng 1 rằng, các nhà phát triển không thể đưa ra yêu cầu bồi thường ở Anh trừ khi họ bị tính phí đối với các giao dịch mua được thực hiện thông qua App Store ở nước này. Nhưng nỗ lực của Apple nhằm loại bỏ yêu cầu bồi thường của vụ việc đã bị Thẩm phán Andrew Lenon bác bỏ trong một phán quyết bằng văn bản vào thứ Sáu vừa qua.

Thẩm phán Lenon nói rằng, các luật sư của Ennis có triển vọng thực tế khi chứng minh "Việc Apple tính phí hoa hồng quá cao cho các nhà phát triển ứng dụng có trụ sở tại Vương quốc Anh liên quan đến giao dịch thương mại được thực hiện trên các cửa hàng không thuộc Vương quốc Anh nhưng đã được hoàn tất ở nước này."

Apple cũng đang phải đối mặt với một vụ kiện riêng liên quan đến pin iPhone bị lỗi của khoảng 24 triệu người dùng iPhone, vụ việc này đã được xác nhận vào năm ngoái. Vụ kiện yêu cầu Apple bồi thường thiệt hại lên tới 1,6 tỷ bảng Anh (1,9 tỷ USD) cộng với tiền lãi.

iphone-6s-1713053590.jpg

iPhone 6S được thay thế pin mới sau lỗi tự động tắt nguồn.

Theo cáo buộc, Apple đã che giấu các vấn đề về pin ở một số mẫu điện thoại nhất định bằng cách "điều chỉnh" chúng với các bản cập nhật phần mềm và cài đặt một công cụ quản lý năng lượng làm hạn chế hiệu suất. Tuy nhiên, Apple cho biết vụ kiện là "vô căn cứ" và phủ nhận mạnh mẽ pin của iPhone bị lỗi, ngoại trừ một số ít mẫu iPhone 6s được hãng thay pin miễn phí.