Lo ngại nhảy việc của giới trẻ: Áp lực tài chính, sợ thất bại và thiếu cơ hội phát triển dài hạn

avatar
Chị Lan Anh chia sẻ, mức lương 20 triệu đồng/tháng hiện tại của chị được đánh giá là cao, nhưng chị vẫn thiếu động lực làm việc. Mỗi tối lướt TikTok thấy các bạn trẻ khởi nghiệp thành công, chị rất muốn thử sức, nhưng lại không dám mạo hiểm vì sợ thất bại.

Sợ thất bại nếu nhảy việc

Chị Trần Lan Anh (quận Tân Phú, TP. HCM) tốt nghiệp ngành Tài chính - ngân hàng. Năm 2015, chị gia nhập một công ty tài chính với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Sau ba năm, chị cảm thấy công việc phân tích tín dụng trở nên nhàm chán và lặp đi lặp lại mỗi ngày.

Đến năm thứ 5, dù đã được thăng chức trưởng nhóm và mức lương tăng lên 20 triệu đồng/tháng, chị vẫn cảm thấy bế tắc. Năm 2023, chị Lan Anh mơ ước về một môi trường công nghệ tài chính sáng tạo, nhưng những thông tin về việc cắt giảm nhân sự khiến chị e ngại. Một đồng nghiệp của chị đã "nhảy việc" nhưng nhanh chóng gặp phải thất nghiệp, càng khiến chị thêm lo lắng.

nguoi-tre-1-1742863552.jpg
Nhiều người trẻ không còn hứng thú với công việc hiện tại nhưng không dám nhảy việc

Chị Lan Anh chia sẻ, mức lương hiện tại của chị cũng được đánh giá là cao, nhưng chị vẫn thiếu động lực. Mỗi tối lướt TikTok thấy các bạn trẻ khởi nghiệp thành công, chị rất muốn thử sức, nhưng không dám mạo hiểm.

Sau khi tốt nghiệp ngành khoa học máy tính, Nguyễn Văn Thuận (quận 5, TP. HCM) làm kỹ sư phần mềm tại một công ty cung cấp dịch vụ với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Ban đầu, Thuận rất hào hứng với công việc. Nhưng sau 2 năm, anh cảm thấy thiếu cơ hội sáng tạo và không được tiếp cận với công nghệ mới.

Khi làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) bùng nổ, anh tự học thêm và nuôi ước mơ được làm việc trong lĩnh vực này. Năm 2023, anh đã nộp đơn xin việc vào một startup AI nhưng bị từ chối vì thiếu kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực mới. Do đó, anh trở lại làm công việc cũ trong tình trạng nhàm chán và kiệt sức.

Đến nay, dù vẫn mơ ước tìm kiếm một công việc tốt hơn, nhưng anh không dám từ bỏ công ty hiện tại vì áp lực tài chính và mục tiêu tiết kiệm để mua nhà. Anh Thuận bảo, bản thân muốn thử sức, nhưng rồi tự ti và lo sợ thất bại. Anh đang rất lưỡng lự trong việc thay đổi nghề nghiệp.

Ngại nhảy việc do áp lực cao từ doanh nghiệp

Những người có lo ngại như chị Lan Anh hay anh Thuận không phải hiếm gặp. Theo một nghiên cứu, 48% người trẻ cảm thấy thiếu tự tin trong việc tìm kiếm công việc mới phù hợp với chuyên môn và sở thích của mình. Họ lo ngại, nếu chuyển sang công ty mới, họ có thể không phát huy hết khả năng hoặc sẽ phải đối mặt với những thử thách không dễ dàng.

Một lý do lớn nữa khiến người trẻ e ngại nhảy việc là tâm lý sợ thất bại. Họ lo việc thay đổi công việc có thể làm gián đoạn sự nghiệp, tạo ra khoảng trống, hoặc khiến họ giảm giá trị trong mắt các nhà tuyển dụng. Đây là một yếu tố phổ biến trong xã hội hiện đại, nơi việc duy trì một công việc ổn định thường được xem là dấu hiệu của sự thành công và an toàn.

Ngoài ra, lo ngại về tài chính cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến quyết định nhảy việc của người trẻ. Mặc dù có nhiều công ty đưa ra các gói lương thưởng hấp dẫn, nhưng không phải ai cũng đủ tự tin để từ bỏ công việc ổn định và thử sức ở một môi trường mới. Một khảo sát năm 2023 cho thấy, 54% người trẻ cho biết họ lo sợ không đủ thu nhập để duy trì cuộc sống nếu thay đổi công việc.

nguoi-tre-1742863867.jpg
Lo ngại về tài chính cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến quyết định nhảy việc của người trẻ

Ông Ngô Đình Đức - người sáng lập và Giám đốc điều hành POCD Consulting Corporation cho rằng, giới trẻ hiện nay ngại nhảy việc do áp lực cao từ doanh nghiệp, yêu cầu hiệu quả và phát triển bền vững. Các cấp quản lý thường đánh giá thấp cam kết và khả năng chịu áp lực của thế hệ trẻ, điều này khiến họ khó có cơ hội đảm nhận những vị trí trọng trách.

Bên cạnh đó, sự thiếu kiên nhẫn, xu hướng làm việc tự do, thiếu cam kết cũng là nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ dễ nản lòng và từ bỏ. Môi trường tuyển dụng ngày càng cạnh tranh, với yêu cầu cao và KPI rõ ràng khiến họ lo lắng mỗi khi phải thay đổi công việc.

Ông Đức cũng chỉ ra khởi nghiệp ngày càng khó khăn, tỷ lệ thất bại cao và việc kiếm tiền trên nền tảng số không còn dễ dàng, điều này khiến giới trẻ lo ngại về sự bất ổn và những khó khăn khi quyết định thay đổi nghề nghiệp.

Ông Đức nhấn mạnh, doanh nghiệp cần có chính sách hỗ trợ người trẻ. Doanh nghiệp cần xây dựng hệ văn hóa và các công cụ quản trị hệ thống chuyên nghiệp để phát triển bền vững, từ đó tạo cơ hội việc làm và bệ phóng cho tất cả người lao động.

Văn hóa làm gương và học hỏi cải tiến liên tục trong quản trị giúp các bạn trẻ đam mê và yêu thích công việc. Ngoài ra, các hoạt động phong trào và đổi mới trong công việc sẽ thúc đẩy sự gắn kết và rút ngắn khoảng cách giữa các thế hệ trong doanh nghiệp.

Trong khi đó, GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội khuyên, người trẻ không nên nhảy việc chỉ vì thu nhập cao trong ngắn hạn mà nên chuyển việc nếu điều đó giúp họ trưởng thành hơn trong dài hạn. Khi làm việc với nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới dự định đầu tư tại Việt Nam, được họ chia sẻ lo ngại việc lao động Việt Nam nhảy việc quá nhiều.

Ông Trình cho rằng, nếu chỉ nhảy việc vì mục tiêu ngắn hạn như thu nhập cao trong thời gian ngắn, người trẻ cần phải suy nghĩ kỹ. Nhảy việc như vậy thì không bao giờ làm được việc lớn. Nếu cảm thấy công việc mới giúp bạn phát triển hiệu quả, lâu dài hơn và mang lại sự trưởng thành, thì có thể nghĩ đến chuyển việc.