Theo Luật 56 sửa đổi về Quản lý thuế, được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2024, từ ngày 1/4, các sàn thương mại điện tử và nền tảng số phải thực hiện kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho người bán.
Quyết liệt với trách nhiệm của người bán
Trong dự thảo Nghị định hướng dẫn quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, Bộ Tài chính đề xuất các tổ chức vận hành sàn bán lẻ trực tuyến, bao gồm cả trong và ngoài nước, có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng như thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của người bán. Việc khấu trừ thuế được thực hiện ngay khi đơn hàng được xác nhận thành công và người mua chấp nhận thanh toán.
Mức thuế áp dụng được tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu của từng giao dịch. Cụ thể, thuế VAT áp dụng với hàng hóa là 1%, dịch vụ 5%, vận tải và dịch vụ gắn với hàng hóa 3%. Thuế TNCN đối với cá nhân cư trú là 0,5% với hàng hóa, 2% với dịch vụ, 1,5% với vận tải và dịch vụ gắn với hàng hóa.
Đối với cá nhân không cư trú, mức thuế tương ứng là 1%, 5% và 2%. Trong trường hợp nền tảng không xác định được giao dịch thuộc nhóm hàng hóa hay dịch vụ, mức thuế khấu trừ sẽ áp dụng theo tỷ lệ cao nhất.
Tuy nhiên, quy định này vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) và các nền tảng như Grab, Lazada, Shopee. Các đơn vị này cho rằng sàn thương mại điện tử không có đủ căn cứ, thông tin và thẩm quyền để xác định cá nhân kinh doanh là đối tượng cư trú hay không.

Vecom đề xuất áp dụng một mức thuế khấu trừ thống nhất, không phân biệt người bán là cư trú hay không cư trú, sau đó cá nhân sẽ quyết toán thuế thu nhập theo năm để cơ quan quản lý xác định nhóm nộp và mức thuế cuối cùng.
Bộ Tài chính khẳng định dự thảo đã yêu cầu cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn cung cấp đầy đủ thông tin mã số định danh hoặc hộ chiếu, đây là cơ sở để xác định tình trạng cư trú. Đồng thời, mức khấu trừ thuế cũng phải tuân theo Luật Thuế Giá trị gia tăng và Luật Thuế Thu nhập cá nhân, nên Chính phủ không thể tự điều chỉnh tỷ lệ này.
Trước những vướng mắc chưa được làm rõ, Vecom đã kiến nghị Quốc hội lùi thời điểm áp dụng quy định đến ngày 1/7 để phù hợp với Luật Thuế Giá trị gia tăng 2024. Đồng thời, dù chỉ còn vài ngày nữa là đến thời điểm có hiệu lực, nghị định hướng dẫn thi hành vẫn chưa được ban hành, gây hoang mang cho các doanh nghiệp thương mại điện tử cũng như người bán hàng trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, sau hai buổi làm việc với Cục Thuế, hiệp hội này nhận thấy vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, đặc biệt liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ thuế của hộ, cá nhân kinh doanh, cũng như các quy định về kê khai và hoàn thuế. Dù vậy, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên kế hoạch thực hiện nghị định từ ngày 1/4.
Có thể gây bất cập đối với các đơn bị hoàn về
Ngay sau khi đề xuất trên được công bố, một số người bán hàng online cũng bày tỏ lo ngại về tính thực tiễn của quy định này. Theo chị Huyền Thương, chủ một gian hàng thời trang trên Shopee, việc sàn tự động khấu trừ thuế ngay khi đơn hàng thành công có thể gây ra nhiều bất cập, đặc biệt là trong các trường hợp đơn bị hoàn trả, bảo hành, đổi sản phẩm.
Nếu người mua đổi ý hoặc sản phẩm có lỗi phải trả lại, giao dịch không còn được tính là hoàn tất nhưng thuế đã bị khấu trừ, vậy quy trình hoàn thuế sẽ diễn ra như thế nào? Chị Thương cho rằng thay vì trừ ngay, sàn nên tạm giữ khoản thuế này và chỉ khấu trừ khi giao dịch thực sự kết thúc một cách chắc chắn để tránh ảnh hưởng đến dòng tiền của người bán.
Anh Hải Long, một người kinh doanh thiết bị điện tử trên Lazada, cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ “thuế chồng thuế”. Theo anh, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hoặc phân phối chính hãng đã nộp VAT từ trước, nếu sàn tiếp tục trừ thêm thuế VAT sẽ dẫn đến tình trạng một sản phẩm bị đánh thuế nhiều lần, làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến giá bán lẻ. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người kinh doanh mà còn có thể đẩy giá sản phẩm lên cao, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng thương mại điện tử trong thời gian qua đã biến đây trở thành kênh bán hàng và cung cấp dịch vụ quan trọng cho cả doanh nghiệp lẫn cá nhân kinh doanh. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), 61% người dùng Internet tại Việt Nam xem sàn thương mại điện tử là kênh mua sắm trực tuyến ưa chuộng.
Dữ liệu từ hơn 400 sàn thương mại điện tử cho thấy cả nước có khoảng 500.000 tổ chức, cá nhân đang kinh doanh trên các nền tảng này. Trong năm ngoái, ngành thuế đã thu hơn 116.000 tỷ đồng từ lĩnh vực thương mại điện tử, nhưng số thu từ các hộ và cá nhân kinh doanh chỉ khoảng 2.500 tỷ đồng. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều đối tượng kinh doanh chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai và nộp thuế theo quy định.
Một trong những nguyên nhân khiến số thuế thu được từ các hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử còn thấp là do số lượng lớn gian hàng trên các nền tảng chưa xác định được danh tính người bán. Thống kê từ năm sàn thương mại điện tử lớn gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Grab cho thấy hơn 300.000 gian hàng chưa định danh được chủ sở hữu, với tổng doanh thu lên đến 70.000 tỷ đồng. Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu áp dụng quy định sàn khấu trừ và nộp thuế thay, số thuế thu được từ nhóm này có thể đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.