Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng và được Chính phủ công bố dựa trên khuyến nghị từ Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Theo quy định, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh dựa trên 8 yếu tố chính, gồm: Một, mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Hai, tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường.
Ba là chỉ số giá tiêu dùng. Bốn là tốc độ tăng trưởng kinh tế. Năm là quan hệ cung - cầu lao động. Sáu là việc làm và thất nghiệp. Bảy là năng suất lao động. Tám là khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Theo đó, mức sống tối thiểu của người lao động được xác định là phải đảm bảo họ có thể chi trả được các khoản phí cơ bản nhất về lương thực, thực phẩm đảm bảo cung cấp đủ lượng kcal cần thiết (2.300 kcal/ngày/người); các chi phí đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng tối thiểu cho nhà ở, giáo dục, y tế, năng lượng, chất đốt, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, giải trí, trang phục quần áo, giao thông đi lại, thiết bị phục vụ sinh hoạt, các khoản đóng góp, chi khác.
Mức sống này còn tính chi phí nuôi con, được xác định trên quy mô hộ gia đình Việt Nam 4 người, trong đó mỗi lao động nuôi được 1 con.
Theo kết quả điều tra mức sống dân cư do Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) công bố, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ xác định mức sống tối thiểu của người lao động và cập nhật định kỳ 2 năm/lần.
Năm 2022, mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ được xác định cao nhất là hơn 4,5 triệu đồng/người/tháng ở vùng 1 và thấp nhất là 3,05 triệu đồng/người/tháng ở vùng 4.
Cũng trong năm 2022, dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP2 điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng bình quân 6%, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 cho đến nay.
Vào cuối năm 2023, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp và thống nhất khuyến nghị với Chính phủ phương án tiếp tục tăng lương tối thiểu 6%, áp dụng từ ngày 1/7/2024.
Theo phương án này, dự kiến từ ngày 1/7 tới đây, lương tối thiểu vùng 1 tăng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng 280.000 đồng); vùng 2 tăng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng); vùng 3 tăng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220.000 đồng); vùng 4 tăng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200.000 đồng).
Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động. Điều này giúp đảm bảo rằng người lao động được hưởng lợi từ mức lương tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế và xã hội tại từng khu vực
Cần phải biết rằng, mức lương tối thiểu không phải là mức lương đủ sống. Theo quy định, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường. Đây là mức sàn thấp nhất được sử dụng làm căn cứ để thỏa thuận tiền lương giữa người lao động với đơn vị sử dụng lao động.
Còn lương đủ sống hiện nay chưa có trong văn bản pháp quy nào của Việt Nam. Theo định nghĩa từ Liên minh Lương đủ sống toàn cầu (Global Living Wage), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)… thì lương đủ sống là mức lương bảo đảm mức sống tử tế cho người lao động và gia đình họ.
Nói một cách đơn giản, lương tối thiểu chỉ để người lao động tồn tại được và nhằm ngăn chặn tình trạng bóc lột sức lao động. Lương đủ sống hướng đến một cuộc sống thịnh vượng hơn.