Lương hưu của người Việt vẫn thấp dù có tỷ lệ hưởng cao nhất thế giới

Mức hưởng lương hưu ở Việt Nam hiện cao nhất thế giới với tỷ lệ tối đa 75%, trong khi các nước khác chỉ duy trì ở mức 35 - 50%. Tuy nhiên, mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động ở Việt Nam thấp nên dù mức hưởng lên tới 75% thì lương hưu vẫn thấp.

Mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã phản hồi Hiệp hội Dệt may Việt Nam về việc kiến nghị nghiên cứu, giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội. Bộ cho biết, bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do thai sản, tai nạn lao động, ốm đau, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết trên cơ sở đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Do vậy, quy định tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cần được xem xét trong việc xác định mô hình, chính sách, quyền lợi hưởng các chế độ của người lao động và thân nhân của họ, mức độ bao phủ, các yếu tố kinh tế vĩ mô, sự phát triển kinh tế, GDP bình quân đầu người.

luong-huu-1-1714297057.jpg
Mức hưởng lương hưu ở Việt Nam hiện cao nhất thế giới với tỷ lệ tối đa 75%

So với một số nước trong khu vực, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội tương đối cao. Tuy nhiên, theo tỷ lệ hưởng thì quyền lợi hưởng chế độ thai sản và ốm đau được đánh giá là cao, đặc biệt chế độ hưu trí. Mức hưởng lương hưu ở Việt Nam hiện cao nhất thế giới với tỷ lệ tối đa 75%, trong khi các nước khác chỉ duy trì ở mức 35% - 50%.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, việc điều chỉnh tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội sẽ tác động rất lớn đến bộ phận người tham gia bảo hiểm xã hội nói riêng và cả xã hội nói chung. Vì thế, việc giữ tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội như hiện hành sẽ góp phần đảm bảo ổn định chính sách bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động và người sử dụng lao động là 32%. Trong đó, người lao động đóng 10,5% gồm bảo hiểm y tế 1,5%, bảo hiểm thất nghiệp 1%, bảo hiểm xã hội 8%. Người sử dụng lao động đóng 21,5% gồm bảo hiểm y tế 3% và bảo hiểm thất nghiệp 1%, bảo hiểm xã hội 17,5%.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội vẫn như quy định hiện hành để đảm bảo ổn định và bền vững của chính sách bảo hiểm xã hội.

luong-huu-1714297057.jpeg
Lương hưu ở Việt Nam vẫn thấp

Theo bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Ban quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), dù tỷ lệ hưởng lương hưu tới 75% nhưng số tiền mà người lao động được hưởng lại dựa trên cơ sở tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Bà Hồ Thị Kim Ngân chia sẻ, thực tế, người lao động và doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội chỉ cao hơn tiền lương tối thiểu vùng từ 5-7% nên đương nhiên khi hết tuổi lao động, lương hưu sẽ thấp.

Còn đại diện Liên đoàn lao động TP. HCM cho biết, theo quy định, mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động dựa trên lương và các khoản phụ cấp kèm theo thường xuyên. Nhưng thực tế ghi nhận, doanh nghiệp “lách” thông qua việc chia lương thành 2 phần để chỉ phải đóng mức bằng hoặc cao hơn lương tối thiểu, còn các khoản phụ cấp không được tính.

Đáng nói, người lao động dù biết tiền đóng bảo hiểm xã hội thấp nhưng vẫn “đồng thuận ngầm” để không phải đóng 10% phần chênh lệch từ tiền phụ cấp. Thế nhưng, người lao động lại không biết rằng bản chất tiền đóng bảo hiểm xã hội là của người lao động. Khi doanh nghiệp “lách luật”, người lao động không phải đóng thêm 10% nhưng lại mất đi khoản 22% doanh nghiệp đáng ra phải đóng thêm cho người lao động.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng chỉ rõ, trong doanh nghiệp luôn tồn tại 3 loại thu nhập của người lao động: Loại làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, loại trả cho người lao động và loại để quyết toán.

Thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội luôn ở mức thấp nhất, chỉ bằng lương tối thiểu vùng cộng 5 - 7% với người làm nghề nặng nhọc, nguy hiểm và 7% với lao động qua đào tạo nghề.