Trước tiên cần hiểu rõ loại thẻ mà bản thân đang có. Với thẻ ghi nợ, nếu không được sử dụng trong một thời gian dài mà vẫn còn một số dư nhỏ trong đó thì ngân hàng sẽ khấu trừ một khoản phí quản lý nhỏ hàng năm (thường là 30 - 50 nghìn đồng) cho đến khi hết.
Khi tài khoản bị trừ hết tiền và không giao dịch trong 6 tháng (thời gian của mỗi ngân hàng là khác nhau) sẽ bị quy thành “thẻ ngủ”, không thể rút hay nhận tiền, nếu muốn sử dụng lại thì phải ra ngân hàng để kích hoạt nó. Nếu chúng không được sử dụng trong hơn 2 đến 5 năm (tùy ngân hàng), hệ thống ngân hàng sẽ tự động hủy các tài khoản này. Vì vậy, nếu trong thẻ ghi nợ không có tiền và chưa hủy tài khoản thì không cần lo lắng nhiều năm sau sẽ bị nợ ngân hàng.
Nếu là thẻ tín dụng thì bản chất hoàn toàn khác, cần chú ý. Thẻ tín dụng hay còn gọi là thẻ tiêu dùng được sử dụng theo kiểu “tiêu trước trả sau”. Chủ tài khoản có thể chi tiêu trong một giới hạn nhất định, rồi hoàn trả theo quy định. Thẻ tín dụng cũng thường tính một khoản phí hàng năm hoặc phí xử lý nhất định.
Trễ hạn thanh toán sẽ dẫn đến phát sinh phí phạt và lãi phạt. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến phát sinh nợ chồng nợ đối với nhiều người dùng thẻ tín dụng hiện nay. Nếu một khoảng thời gian trôi qua (các ngân hàng khác nhau có quy định khác nhau) và khoản vay không được hoàn trả hoặc tài khoản bị đóng, ngân hàng sẽ tự động báo cáo cho cơ quan tín dụng, điều này sẽ ảnh hưởng đến hồ sơ tín dụng cá nhân.
Ông Đức Nguyễn là một chuyên gia khai vấn tài chính nhưng cũng từng rơi vào tình trạng mất thêm gần 4 triệu đồng vì thiếu nợ thẻ tín dụng hơn 10.000 đồng. Vị chuyên gia cho biết, tính năng cốt lõi nhất của thẻ tín dụng là chi tiêu trước, hoàn trả sau. Tức là khách hàng được cấp trước một hạn mức chi tiêu và chu kỳ miễn lãi. Thời gian miễn lãi của các ngân hàng thường là 55 ngày bắt đầu từ ngày chốt sao kê của tháng này đến ngày chốt sao kê của tháng sau, cộng thêm 25 ngày ân hạn.
Vị chuyên gia khuyên, phía ngân hàng sẽ ấn định ngày chốt sao kê khi họ phát hành thẻ nhưng bạn có thể thay đổi cho thuận lợi nhất với mình. Hãy chọn ngày chốt sao kê sao cho ngày cuối ân hạn rơi vào sau thời điểm nhận lương hàng tháng để tránh bị trễ hạn thanh toán vì thiếu tiền.
Khác với thẻ ghi nợ bị hủy khi tài khoản hết tiền, thẻ tín dụng không dùng một thời gian dài vẫn không bị khóa. Giải thích nguyên nhân này, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, tài khoản thanh toán của khách hàng không hoạt động nhưng vẫn thuộc quyền sở hữu của họ. Ngân hàng mỗi tháng vẫn phải chạy số liệu, tốn tài nguyên để quản lý. Phải đến khi tài khoản “đóng băng” thì ngân hàng mới tạm thời đưa ra khỏi số liệu thống kê, quản lý.
Vị này cũng cho hay, trường hợp đóng vĩnh viễn thẻ tín dụng rất khó vì không ít lần tài khoản 0 đồng nhưng sau một thời gian dài, khách hàng lại sử dụng tiếp, có phát sinh giao dịch. Thậm chí, có khách hàng còn khiếu nại vì sao ngân hàng lại đóng tài khoản của họ.
Nhiều khách hàng nghĩ đơn giản rằng, trong thẻ ATM hết tiền tức là tài khoản đó không còn giá trị nên vô tình quên mất bước yêu cầu đóng tài khoản. Đến khi có nhu cầu làm việc với ngân hàng, chủ thẻ mới được thông báo phát sinh dư nợ do các chi phí gộp lại. Bất cập ở chỗ, nhiều khách hàng cho hay họ không nhận được bất kỳ thông báo nào qua các kênh SMS, email hoặc từ tổng đài của ngân hàng về việc đang tiếp tục bị ghi nợ các khoản phí cho đến khi chủ động kiểm tra.
Với các loại thẻ tín dụng, một số chuyên gia tài chính nhấn mạnh, nhiều ngân hàng chưa có quy định nào tạm khóa tài khoản ngân hàng khi khách hàng không sử dụng. Người dùng vẫn sẽ đóng phí thường niên cho ngân hàng dù không phát sinh giao dịch. Nếu khách hàng không đóng phí này thì sẽ dễ dẫn đến nợ xấu.
Do vậy khách hàng cần lưu ý, trong trường hợp chỉ khóa tài khoản tạm thời, các khoản phí như phí thường niên, phí duy trì hay các phí khác đi kèm... vẫn được nhiều ngân hàng tính bình thường. Nếu không còn nhu cầu, khách hàng nên nhanh chóng khóa tài khoản vĩnh viễn.