Nhanh chóng ban hành văn bản dưới luật để đưa Luật Các tổ chức tín dụng 2024 vào cuộc sống

Ông Nguyễn Đình Việt, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, để Luật Các tổ chức tín dụng 2024 nhanh chóng đi vào cuộc sống, cần khẩn trương ban hành hệ thống văn bản dưới luật bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ, không tạo vướng mắc khi triển khai.

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có nhiều quy định nhằm nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn... để thao túng, chi phối hoạt động của tổ chức tín dụng. Tuy vậy, để các quy định tại luật đi vào cuộc sống, cần khẩn trương ban hành hệ thống văn bản dưới luật bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ, không tạo vướng mắc khi triển khai.

Phóng viên Đô Thị Mới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Việt, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về vấn đề này.

Thưa ông, ông kỳ vọng gì ở Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua?

Ông Nguyễn Đình Việt: Luật Các tổ chức tín dụng 2024 được Quốc hội thông qua đã hoàn thiện thêm quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng, khắc phục những bất cập của luật hiện hành. Luật mới cũng tạo hành lang pháp lý để xử lý các vấn đề như tổ chức tín dụng yếu kém, nợ xấu, tài sản bảo đảm.

Luật mới giúp nâng cao vấn đề quản trị, điều hành tiệm cận dần với thông lệ quốc tế, giúp lành mạnh hoạt động của tổ chức tín dụng. Ngoài ra, với hàng loạt quy định mới, Luật Các tổ chức tín dụng cũng góp phần ngăn ngừa, hạn chế tình trạng thao túng, chi phối tổ chức tín dụng. Thêm nữa, với luật mới, tính tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng cũng được tăng cường, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng.

tin-dung-3-1710923612.jpeg

Ông Nguyễn Đình Việt, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội

Ngoài ra, luật này cũng sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát triển đa dạng, hiện đại các hoạt động, nâng cao khả năng cạnh tranh trong khu vực và trên quốc tế.

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định tỷ lệ sở hữu của một cổ đông giảm từ 15% xuống còn 10% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; tỷ lệ sở hữu của cổ đông và người liên quan giảm từ 20% xuống còn 15% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; yêu cầu các cổ đông sở hữu từ 1% vốn trở lên phải công bố thông tin; giảm tỷ lệ giới hạn tín dụng với một khách hàng từ 15% xuống 10%…  Theo ông, những quy định này tác động thế nào tới mục tiêu hạn chế sở hữu chéo?

Ông Nguyễn Đình Việt: Cùng với các yêu cầu chặt chẽ về quản trị, điều hành như quy định về không được đảm nhiệm chức vụ, không cùng đảm nhiệm chức vụ, việc tăng số lượng thành viên ban kiểm soát, quyền hạn của hội đồng quản trị... nhằm ngăn ngừa tình trạng thao túng, chi phối ngân hàng.

Ví dụ như: giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần để tăng thêm tính đại chúng của tổ chức tín dụng, giảm giới hạn cấp tín dụng, mở rộng khái niệm người có liên quan để hạn chế sở hữu cũng như cho vay đối với người cho liên quan, cho vay "sân trước" "sân sau" tại tổ chức tín dụng.

Ngoài ra luật cũng tăng cường tính minh bạch thông tin như việc cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên phải công bố thông tin (khác với Luật Chứng khoán là cổ đông sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên) nhằm tăng cường sự giám sát của cơ quan nhà nước và cả công chúng.

tin-dung-1-1710923676.jpeg

Hàng loạt quy định nhằm minh bạch thông tin cổ đông các tổ chức tín dụng

Tuy nhiên, để tránh những tác động đột ngột đến thị trường, luật cũng đã có quy định chuyển tiếp trong vấn đề này. Theo đó, tổ chức, cá nhân đang sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ tại tổ chức tín dụng... có lộ trình giảm giới hạn cấp tín dụng theo từng năm để các tổ chức tín dụng có kế hoạch phù hợp.

Các quy định này tại luật khi được áp dụng được sẽ giúp cho tổ chức tín dụng và thị trường điều chỉnh dần theo hướng lành mạnh, an toàn hơn mà vẫn hoạt động ổn định.

Theo ông, với những quy định mới như trên, liệu tình trạng “lách luật” có tiếp tục xảy ra? Cần những giải pháp nào để thực thi, giám sát các quy định của luật hiệu quả?

Ông Nguyễn Đình Việt: Luật được thông qua đã tạo được khung pháp lý. Để các quy định tại luật đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, khâu giám sát thực thi rất quan trọng. Tôi cho rằng nhiệm vụ cần thực hiện nhanh chóng là ban hành hệ thống văn bản dưới luật rõ ràng, chặt chẽ, không tạo vướng mắc khi triển khai.

Tiếp đó là vai trò của các cơ quan, nhất là của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính, mà hiện nay đã được quy định cụ thể trong luật.

tin-dung-4-1710923748.png

Luật Các tổ chức tín dụng kỳ vọng ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng

Theo đó, cần gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu với hiệu quả thực thi luật. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra cũng cần tăng cường hơn nữa tính hiệu quả và hiện đại hóa trong công tác thanh tra cũng như năng lực cán bộ. Nếu làm được điều đó thì sẽ kịp thời phát hiện được những hành vi cô ý “lách luật” để xử lý nghiêm minh.

Thưa ông, ông có khuyến nghị gì đối với việc thiết kế các văn bản dưới luật? Những vấn đề gì cần chú trọng?

Ông Nguyễn Đình Việt: Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1.7.2024, do đó, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần khẩn trương xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn luật, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với luật.

Quan trọng hơn, như trên đã đề cập, các văn bản hướng dẫn phải bảo đảm đúng luật, rõ ràng, chặt chẽ, tạo thuận lợi trong việc triển khai. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các cơ quan thực thi, các tổ chức tín dụng...

Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 có nhiều quy định mới. Một số nội dung quan trọng có thể kể đến như: Sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức, quản trị, điều hành, quản lý rủi ro tiệm cận với thông lệ tốt về quản trị công ty; tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng; sửa đổi quy định nhằm hạn chế tình trạng thao túng, chi phối tổ chức tín dụng; bổ sung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.

Luật cũng bổ sung 1 chương về ngân hàng chính sách trên cơ sở luật hóa các quy định đã áp dụng ổn định trong thực tiễn; hoàn thiện quy định về tài chính, hạch toán, báo cáo; hoàn thiện hành lang pháp lý để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; hoàn thiện quy định về quản lý nhà nước, trong đó tăng cường trách nhiệm thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước; bổ sung một số quy định về hành vi bị cấm; bảo vệ quyền lợi khách hàng…

Xin cảm ơn ông!