Ngày giờ và những điều cần lưu ý khi cúng Táo Quân năm 2025

Theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam, lễ cúng ông Công ông Táo được tổ chức để tiễn các vị thần cai quản bếp núc lên chầu trời, báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc làm tốt và chưa tốt của gia chủ trong suốt một năm qua. Vậy năm nay, lễ cúng Táo Quân cần lưu ý những gì?

Lễ cúng Táo Quân (cúng ông Công ông Táo) là một trong những nghi lễ quan trọng trong văn hóa tâm linh của người Việt. Theo truyền thống, lễ cúng thường được tổ chức vào khoảng từ ngày 17 - 23 tháng Chạp hàng năm, nhằm tiễn Táo quân về trời để báo cáo những việc xảy ra trong gia đình suốt một năm qua.

tao-quan-1-1737175310.jpg
Mâm cơm cúng ông Công ông Táo

Để buổi lễ diễn ra suôn sẻ và trọn vẹn ý nghĩa, gia chủ cần lưu ý về ngày giờ cúng, lễ vật, trang phục, cũng như cách hành lễ sao cho đúng phong tục. Lễ vật cúng Táo quân phải có 3 bộ mũ cánh chuồn và hài. Cá chép cúng làm “ngựa” để Táo quân về trời có thể dùng cá sống hoặc cá giấy.

Khi hành lễ, gia chủ cần trang phục ngay ngắn gọn gàng, không nên mặc quần áo ngắn, váy ngắn hoặc hở ngực, hở nách. Có thể gọi toàn thể con cháu trong gia đình cùng chịu lễ. Lời văn khấn cần nêu rõ ngày giờ, họ tên gia chủ, địa chỉ nơi ở.

Những vị thần bắt buộc phải mời là Táo quân, Thổ công và các vị gia thần. Phải nêu đủ danh vị của các thần, không nói vắn tắt.

Cụ thể: "Đông trù Tư mệnh Táo phủ thần quân, Ngũ phương Ngũ thổ Phúc đức chính thần, Ngũ phương Long mạch Tiếp dẫn tài thần, bản gia chư vị tôn thần".

tao-quan-1737175309.jpg
Thả cá chép là một nét đẹp trong ngày tiễn ông Công ông Táo về trời

Đặc biệt, khi khấn cần “kiểm điểm” lại những việc đúng - sai trong năm của gia đình, thành thật nhận sai lầm của mình và nguyện sẽ sửa đổi (phần này có thể mặc niệm trong đầu). Việc tốt nên tâu bẩm rõ ràng để động viên toàn gia đình, việc sai sót cần rút kinh nghiệm. Cúng khấn như vậy là thực sự thành tâm, cầu thị, phát huy tốt ý nghĩa của lễ cúng.

Khi cúng xong, việc hóa đồ mã cần làm chậm rãi, đợi từng thứ hóa gần hết mới hóa đồ tiếp theo để tránh khói bụi, hỏa hoạn; không dùng que cời khiến tro bụi bốc bay mù mịt. Vừa hóa mã vừa tâm niệm những điều tốt đẹp hoặc lẩm nhẩm niệm Phật, niệm câu chú “Úm a hồng” để tăng trưởng phúc đức. Tro hóa mã nên để nguội, gói kín vứt vào thùng rác, không đổ xuống ao hồ, sông suối.

Theo sách Ngọc hạp ký, năm Ất Tỵ 2025 nên cúng Táo quân trong các ngày từ 18 - 23 tháng Chạp, thời gian phổ biến từ 17 – 19 giờ. Nếu chọn ngày giờ để cúng thì tiến hành theo các ngày và cung giờ như sau:

Ngày 18 (Bính Tuất), từ 11 – 15h hoặc 17 – 19h.

Ngày 20 (Mậu Tý), từ 7 – 9h/ 13 – 15h hoặc 17 – 19h.

Ngày 22 (Canh Dần), từ 9 – 11h/ 19 – 21h.

Ngày 23 (Tân Mão), từ 9 -11h, 13 – 15h, 19 – 21h.

Cúng Táo quân không chỉ là một nghi lễ tiễn đưa vị thần cai quản bếp núc về trời mà còn mang ý nghĩa tổng kết một năm, nhìn nhận những điều đúng sai để hướng đến năm mới an lành, hạnh phúc.

Việc thực hiện lễ cúng với sự thành tâm, đúng phong tục không chỉ thể hiện lòng biết ơn với các vị thần mà còn giúp gia đình đón nhận nhiều may mắn, phúc lộc. Vì vậy, gia chủ cần chuẩn bị chu đáo, chọn ngày giờ phù hợp và thực hiện lễ cúng một cách trang nghiêm, đúng nghi thức để phát huy tối đa ý nghĩa tâm linh của ngày lễ này.