Công ty khởi nghiệp Climeworks của Thụy Sĩ vừa khai trương nhà máy thu giữ carbon lớn nhất thế giới ở Iceland, vượt xa kỷ lục của chính họ về lượng CO2 có thể thu được từ không khí được xác lập trước đó.
Nhà máy thu giữ carbon kỷ lục trước đây của công ty là Orca có năng lực hút khoảng 4.000 tấn CO2 từ khí quyển mỗi năm, nhưng nhà máy mới có thể xử lý gần gấp mười lần số đó.
Nhà máy này có tên là Mammoth, được thiết kế với 72 quạt công nghiệp, có thể hút 36.000 tấn CO2 từ không khí mỗi năm. Giống như tại nhà máy Orca, CO2 thu giữ được sẽ không được tái chế. Nó được lưu trữ dưới lòng đất và cuối cùng bị "nhốt" trong đá, loại bỏ vĩnh viễn khỏi môi trường không khí. Nhà máy nằm trên một ngọn núi lửa không hoạt động. Vị trí này được lựa chọn vì gần nhà máy năng lượng địa nhiệt Hellisheidi, được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các quạt công nghiệp của Manmoth, đồng thời làm nóng các bộ lọc hóa học để tách CO2 bằng hơi nước.
Sau khi chiết, CO2 được tách ra khỏi hơi nước, được nén và hòa tan trong nước. Cuối cùng, nó được bơm sâu dưới 2.300 feet (hơn 700 mét) dưới lòng đất bazan núi lửa. Hợp chất này phản ứng với magie, canxi và sắt trong đá để tạo thành các tinh thể, trở thành kho chứa CO2 rắn. Công nghệ này được đánh giá khá cao về tính thiết thực và tiện dụng.
Mặc dù các nhà máy thu giữ carbon đã lần lượt đi vào hoạt động trên thế giới, nhưng để đạt được các mục tiêu khí hậu hiện nay, khả năng thu giữ carbon vẫn chưa thấm tháp vào đâu so với nhu cầu. Để thế giới đạt được "sự cân bằng carbon" vào năm 2050, "chúng ta nên loại bỏ khoảng 6 đến 16 tỷ tấn CO2 mỗi năm khỏi không khí", người sáng lập Climeworks Jan Wurzbacher cho biết.
Nhà máy mới hoạt động hiện là loại lớn nhất, hoạt động trên biên độ rộng nhưng mới chỉ có thể thu được tới 36.000 tấn CO2 từ không khí mỗi năm, chỉ đạt 0,0006% lượng cần thiết để đáp ứng ngưỡng loại bỏ tối thiểu hàng năm như Wurzbacher đã chỉ ra.
Để đạt được mục tiêu đó, Wurzbacher đã kêu gọi các công ty khác đứng ra giải quyết vấn đề này. Ông nói rằng Climeworks có mục tiêu vượt qua hàng triệu tấn khai thác mỗi năm vào năm 2030 và một tỷ tấn vào năm 2050. Giám đốc công nghệ của công ty là Carlos Haertel nói với tờ 60 Minutes rằng việc mở rộng quy trình trên toàn cầu là có thể, nhưng đòi hỏi sự kiên định và quyết tâm chính trị của các nước để có thể tập hợp được các sáng kiến toàn cầu cùng chung tay giải quyết,
Tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra cuối năm ngoái, Mỹ đã cam kết bổ sung 3 tỷ USD cho Quỹ Khí hậu Xanh để hỗ trợ cắt giảm khí thải nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ Năng lượng nước này cũng bắt đầu một chương trình lớn với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thu giữ carbon thân thiện với ngân sách.