Số liệu được công bố mới đây bởi quỹ Fidelity – quỹ quản lý tài sản có cổ phần trong công ty của Elon Musk. Theo đó, giá trị của X hiện chỉ còn chưa đến ¼ số tiền mà Elon Musk đã bỏ ra để mua mạng xã hội này vào năm 2022.
Báo cáo tài chính cho thấy X Holdings Corp đang phải chịu khoản thua lỗ lớn. Khi Musk mua Twitter 2 năm trước, Fidelity đã đầu tư 19,6 tỷ USD vào công ty thông qua quỹ Blue Chip của mình. Tính đến thời điểm hiện tại, Fidelity ước tính giá trị khoản đầu tư đó đã giảm mạnh hơn 78%, xuống còn 4,19 tỷ USD.
Đây không phải lần đầu tiên công ty đầu tư này báo cáo cắt giảm trên trang mạng xã hội. Các tiết lộ tài chính của công ty cho thấy lịch sử định giá của X đang giảm. Một năm sau khoản đầu tư ban đầu vào năm 2022, giá trị X đã giảm 65% và tiếp tục giảm với mỗi báo cáo được công bố sau đó. Vào cuối tháng 7 này, Fidelity định giá cổ phần của mình ở X với mức 5,5 tỷ USD.
Thực tế, tình hình kinh doanh của X không khả quan kể từ khi Musk tiếp cận. Hầu hết các đơn vị quảng cáo đã “bỏ chạy” khi Twitter đổi thành X. Những thay đổi mà Musk thực hiện đối với nền tảng này đã khiến những người dùng bình thường rời đi. Nhiều nội dung gây phản ứng mạnh bị “lọt lưới” như nội dung liên quan tới Đức Quốc Xã và diệt chủng…
Năm 2023, doanh thu từ quảng cáo của X chỉ đạt 2,5 tỷ USD, chỉ bằng một nửa so với năm 2022. X thậm chí đã phải đóng cửa trụ sở chính tại San Francisco và chuyển đến Texas để làm việc.
Đầu tháng 9, công ty nghiên cứu thị trường Kantar đã thực hiện một khảo sát đối với 1.000 lãnh đạo và 18.000 người tiêu dùng tại hơn 20 quốc gia trên toàn cầu và thấy rằng, có tới 26% doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm chi phí cho quảng cáo trên X năm tới do lo ngại những nội dung cực đoan ảnh hưởng tới hình ảnh thương hiệu của mình. Đây là tỷ lệ cao nhất được ghi nhận so với mặt bằng các nền tảng mạng xã hội khác. Chỉ có 4% đánh giá X “an toàn” và tin tưởng quảng cáo của họ không xuất hiện trong các nội dung tiêu cực – tỷ lệ này với Google Ads là 39%. Việc các nhà quảng cáo đã ra đi quay trở lại là một kịch bản rất khó có thể thực hiện được.
Musk cho biết, nếu các nhà quảng cáo không quay lại, công ty sẽ phá sản. X đã mất nhiều người dùng hơn nữa vào mùa hè năm nay khi bị cấm hoạt động ở Brazil. Musk đã có mối quan hệ căng thẳng với thẩm phán hàng đầu của nước này sau khi từ chối xóa bỏ các tài khoản lan truyền tin giả về cuộc bầu cử ở Brazil. Cuối cùng, X và Musk cũng phải “cúi đầu”, từng bước thỏa hiệp, hi vọng lệnh cấm sẽ sớm được dỡ bỏ tại quốc gia này. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, số lượng người dùng đã rời đi 10 phần thì quay lại chưa hẳn đã trọn vẹn như vậy.