"Ngân hàng đủ tiền cho vay nhưng quan trọng là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp"

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đánh giá khả năng cho vay của các ngân hàng đáp ứng đủ nhu cầu. Song, quan trọng nhất là khả năng hấp thụ vốn vay của doanh nghiệp.

Tại họp báo Chính phủ ngày 7/9, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Ngân hàng không thiếu tiền

Tính đến ngày 7/9, dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng tăng 7,75%, bằng một nửa so với chỉ tiêu đặt ra đầu năm. Tuy nhiên, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng cả năm vẫn có khả năng đạt 15% như đã đề ra.

Cơ sở nhận định là diễn biến tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm gây nhiều bất ngờ. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng âm, từ tháng 4 đến tháng 8 lại khá tích cực lên. Cùng kỳ năm ngoái cũng đạt mức 5,33% nhưng cuối năm vẫn đạt mục tiêu 13,71%, trong khi năm nay tình hình kinh tế đã khởi sắc rất nhiều.

pho-thong-doc-nhnn-1725763885.jpg

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Cũng theo ông Tú, NHNN đang triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, trong đó tập trung hạ lãi suất cho vay. Hiện, lãi suất những khoản vay mới trung bình đạt 6,23%, giảm 0,86% so với cuối năm 2023; lãi suất huy động đạt 3,84%, tăng 0,23%.

Phó thống đốc đánh giá, lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay giảm, cho thấy các ngân hàng đã chia sẻ với doanh nghiệp nguồn lợi nhuận của mình, khả năng cho vay của các ngân hàng thương mại đủ cho nhu cầu. Hồi cuối tháng 8, NHNN đã nới tín dụng cho các nhà băng có dư nợ cao. Tuy nhiên, quan trọng lúc này là khả năng hấp thụ vốn vay của doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, để tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, ngành ngân hàng cũng đã tinh gọn, “cởi mở” nhiều trong thủ tục, điều kiện để các ngân hàng có căn cứ pháp lý, đẩy mạnh việc cho vay. Đồng thời, ứng dụng công nghệ, tạo thuận lợi cho người vay, cũng như người cho vay.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tăng quy mô các gói vay ưu đãi như gói tín dụng cho ngành lâm, thủy hải sản dự kiến có thêm 50.000 – 60.000 tỉ đồng, thay vì 30.000 tỉ đồng như ban đầu. Hay gói vay ưu đãi 140.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội, giảm lãi suất từ 2% lên 3% so với lãi suất cho vay thông thường, kéo dài thời hạn cho vay từ 5 – 10 năm cho người mua nhà.

Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, sau 8 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng mới đạt hơn 7,75% là khá chậm. Nguyên nhân đến từ việc nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ vốn là động lực tăng trưởng truyền thống của nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.

Các chuyên gia phân tích nhận định, động lực tăng trưởng tín dụng bền vững cần xuất phát từ nhu cầu vốn của người dân và phần quan trọng là tín dụng được thúc đẩy bởi ngành bất động sản, bao gồm nhu cầu mua nhà, kinh doanh bất động sản...Hiện, đang có khoảng 1 triệu tỉ đồng đang chờ được nền kinh tế “hấp thụ”.

Lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thể “với”

Theo khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hơn 70% số doanh nghiệp bất động sản cho biết, các cơ chế nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn chưa phát huy tác dụng đối với nhóm ngành này. Dù NHNN đã có những chính sách ưu đãi về lãi suất nhưng trên thực tế để tiếp cận dòng vốn rẻ là điều không dễ dàng.

Thực tế, các doanh nghiệp cho biết, họ vẫn chưa tiếp cận được mức lãi suất thấp như kỳ vọng. Hiện, các ngân hàng thương mại vẫn hạn chế mức tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, cũng như thêm nhiều điều kiện khắt khe hơn để có thể cấp vốn.

doanh-nghiep-bat-dong-san-1725763944.jpg

Doanh nghiệp bất động sản vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng dù lãi suất giảm

Theo ông Lê Hồng Khang – Giám đốc phân tích và xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản trong 6 tháng đầu năm cơ bản vẫn thấp so với trung bình 5 năm trở lại đây. Đồng thời phải đối mặt và xử lý bài toán rất lớn liên quan đến khả năng tiếp cận nguồn vốn khó khăn nhiều so với giai đoạn trước.

Ông Khang cho biết, trước đây các doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp cận nguồn vốn đa dạng và linh hoạt như từ hợp đồng hợp tác đầu tư, người mua nhà, trái phiếu, vay ngân hàng...Tuy nhiên, đến nay các kênh này đều gặp nhiều khó khăn, kể cả với kênh vay vốn ngân hàng.

Nói về hướng tháo gỡ “thế khó” của doanh nghiệp với nguồn vốn, TS. Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS cho rằng, nếu vấn đề này không được giải quyết sớm thì nhịp phục hồi của thị trường sẽ bị ảnh hưởng, dù nút thắt về pháp lý đã có hướng giải quyết theo các bộ luật mới có hiệu lực.

Do vậy, các cơ quan liên quan cần sớm ban hành các văn bản, Nghị định, Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành ba bộ luật vừa mới được thông qua. Từ đó, đảm bảo tính “tương thích” giữa ba bộ luật cả về mặt phạm vi, đối tượng, thời gian và không gian.

Đồng tình, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết, hiện nay việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp bất động sản rất khó, nhiều dự án “đắp chiếu” trong khi nguồn cung thị trường khan hiếm. Do vậy, HoREA kiến nghị, NHNN tạo điều kiện cho các chủ đầu tư có dự án đã có giấy phép xây dựng và khởi công được vay không quá 50% tổng mức đầu tư, để thanh toán, chi trả chi phí thực hiện dự án.