Phụ huynh vui vì con được miễn học phí nhưng lại lo phụ phí tăng

avatar
Theo tiến sĩ Đinh Anh Tuấn, các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh các trường ngoài công lập, đồng thời bảo đảm thu nhập của giáo viên, nhằm giảm thiểu tình trạng dạy thêm, "tránh việc miễn học phí nhưng các trường lại tăng phụ phí lên gấp 3 - 4 lần".

Niềm vui xen lẫn nỗi lo

Thông tin về việc miễn học phí hoàn toàn cho học sinh từ mầm non đến hết THPT trong năm học 2025-2026 đã khiến người dân cả nước vui mừng, phấn khởi. Bởi lẽ, hầu hết các gia đình đều có con em đang theo học tại các cấp học được miễn học phí. Chính sách này được xem là một bước tiến lớn trong việc bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục cho mọi học sinh, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Thương (Hòa Bình) chia sẻ, chị rất vui mừng khi biết 2 con của chị, trong đó có một cháu học cấp 3, sẽ được miễn học phí từ năm học tới. Gia đình chị chỉ trông cậy vào thu nhập từ chồng, nên các khoản phí đầu năm học mới luôn phải tính toán kỹ lưỡng.

hoc-phi-1-1741308488.jpg
Học sinh các cấp trên cả nước được miễn học phí từ năm học tới

Anh Bùi Văn Hưởng (Nam Định) có 3 con đang đi học, trong đó một cháu đang học lớp 11. Nhờ chính sách mới, cả 3 con anh đều được miễn học phí từ năm học tới. Anh cho hay, không chỉ gia đình tôi mà nhiều gia đình xung quanh đều rất vui mừng với chính sách miễn học phí này. Nó giúp phụ huynh như anh có thể tập trung vào công việc làm ăn hơn, trong khi các cháu yên tâm học hành.

Một giáo viên tại trường THPT tại Hà Nội cũng bộc bạch, với nhiều người, học phí có thể chỉ là một khoản chi nhỏ. Nhưng với các gia đình nghèo, đặc biệt là ở những khu vực khó khăn, đây thực sự là một chính sách nhân văn, giúp họ bớt lo lắng và an tâm hơn khi biết rằng, dù hoàn cảnh có thế nào, con cái họ vẫn sẽ có cơ hội đến trường.

Tuy nhiên, nếu xét đến các khoản thu của các trường công lập, học phí chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng thu của nhà trường. Ngoài học phí, còn rất nhiều khoản thu khác như tiền thiết bị học tập, tiền ăn bán trú, tiền quỹ lớp… đều là những khoản thu gần như bắt buộc.

Vì vậy, mặc dù chính sách miễn học phí đã phần nào giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho các gia đình khó khăn, nhưng để con em họ được tiếp tục đến trường, phụ huynh vẫn phải đối mặt với không ít áp lực từ các khoản thu bổ sung này.

Chị Nguyễn Thu Giang (Hà Nội) cho hay, miễn học phí là một chính sách nhân văn, thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển giáo dục và chăm sóc cho sự nghiệp "trồng người". Chính sách này sẽ mở ra cơ hội cho tất cả trẻ em, đặc biệt là những em thuộc gia đình nghèo, có thể tiếp cận với môi trường học tập tốt hơn.

Dù vậy, chị cũng bày tỏ lo lắng, với thực trạng giáo dục hiện nay, học phí một năm chưa đến 1 triệu đồng/em chỉ là phần nhỏ. Những khoản thu khác mới là vấn đề chính, đặc biệt là các khoản đóng góp "tự nguyện" như học phí tiếng Anh, tin học, kỹ năng mềm, phí hoạt động ngoại khóa… Chưa kể những khoản phí "lạm thu" mà nhiều trường vẫn thu vào đầu năm học, khiến phụ huynh và xã hội bức xúc.

Những khoản tiền này dù nhỏ lẻ nhưng cộng lại lại tạo ra gánh nặng không nhỏ cho các gia đình, đặc biệt khi chúng không được công khai rõ ràng và thiếu sự kiểm tra từ cơ quan chức năng, chị băn khoăn.

Chị Nguyễn Thị Thảo (Hà Nội) cũng chia sẻ, dù học phí đã được miễn, chị vẫn phải đóng thêm vài triệu đồng mỗi năm cho các khoản phí khác, nên nỗi lo vẫn còn. Chị còn lo các trường sẽ tăng các khoản phụ thu lên gấp 3 - 4 lần để bù đắp cho phần học phí giảm đi. Chuyện này không phải là hiếm.

Bên cạnh đó, với chính sách miễn học phí, tình trạng quá tải ở các trường công lập có thể sẽ gia tăng. Liệu từ năm học tới, các gia đình có đổ xô đăng ký cho con vào trường công, khiến tỷ lệ chọi tăng lên? Các con sẽ vất vả ôn thi, phụ huynh cũng mệt mỏi với việc “giành giật” suất học cho con.

hoc-phi-1741308488.jpg
Để đạt hiệu quả như mong đợi, việc miễn học phí cần phải đi kèm với các cơ chế đồng bộ khác

Cần cơ chế đồng bộ đi kèm

Liên quan đến vấn đề này, tiến sĩ Đinh Anh Tuấn - chuyên gia giáo dục cho rằng, việc miễn học phí cần phải đi kèm với các cơ chế đồng bộ khác, đặc biệt là các khoản thu chi đầu năm học. Không chỉ miễn học phí, mà cần phải loại bỏ tất cả các khoản thu vô lý trong các trường học hiện nay, ngoại trừ những khoản thu chính đáng như tiền ăn bán trú, tiền xe đưa đón học sinh…

Các khoản phí không hợp lý như tiền sổ học bạ, tiền sơn bảng, tiền mua đèn, quạt, ghế ngồi ở sân chào cờ, tiền vệ sinh, bảo vệ… rõ ràng là trách nhiệm của trường công lập và không nên đổ lên vai phụ huynh.

Thực tế, nhiều phụ huynh đã than phiền về việc phải đóng đến hàng triệu đồng đầu năm học. Khi nhìn vào bảng thu chi của giáo viên chủ nhiệm, họ nhận thấy học phí chỉ chiếm khoảng 20%, phần còn lại là các khoản thu xã hội hóa, học thêm, đóng góp ủng hộ… mới thực sự là gánh nặng.

Theo tiến sĩ Tuấn, các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh các trường ngoài công lập, đồng thời bảo đảm thu nhập của giáo viên, nhằm giảm thiểu tình trạng dạy thêm, "tránh việc miễn học phí nhưng các trường lại tăng phụ phí lên gấp 3 - 4 lần". Dù học phí đã được miễn, nhưng vấn đề bảo trì cơ sở vật chất, đầu tư vào trường lớp vẫn cần được chính quyền địa phương quan tâm, để đảm bảo môi trường học tập an toàn và chất lượng cho học sinh.

Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, để chính sách miễn học phí đạt hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của tất cả học sinh, cần xem xét một số yếu tố quan trọng: Thứ nhất, cần đa dạng hóa nguồn tài trợ cho giáo dục. Ngoài ngân sách Nhà nước, việc khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp và cộng đồng trong việc hỗ trợ tài chính cho giáo dục là cần thiết.

Điều này không chỉ giảm bớt áp lực lên ngân sách nhà nước mà còn giúp bảo đảm đủ nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao.

Thứ hai, phát triển chương trình giáo dục linh hoạt. Các chương trình học cần phải phù hợp với nhu cầu và khả năng của từng nhóm học sinh, đặc biệt là những em có nhu cầu học tập đặc biệt hoặc năng khiếu. Điều này có thể bao gồm việc triển khai các lớp học nâng cao, chương trình tài năng, hoạt động ngoại khóa hay các hình thức học tập chuyên sâu, kể cả hệ thống trường tư phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Thứ ba, tăng cường đào tạo và đãi ngộ giáo viên. Chất lượng giáo dục phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ giáo viên. Vì vậy, việc xây dựng chính sách đãi ngộ hợp lý sẽ giúp thu hút và giữ chân những giáo viên giỏi, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng giảng dạy và học tập. Giáo viên được đãi ngộ tốt sẽ cống hiến hết mình, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục chung.

Chính sách miễn học phí là một bước tiến quan trọng trong việc bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, đặc biệt là học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, để chính sách này thực sự hiệu quả và bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan: Nhà nước, nhà trường, cộng đồng và gia đình.

Việc đảm bảo nguồn lực tài chính đầy đủ, nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng sự đa dạng trong nhu cầu học tập của học sinh sẽ là chìa khóa để chính sách này đạt được mục tiêu, góp phần bảo đảm quyền lợi học tập cho tất cả trẻ em trong độ tuổi đến trường.