Giá vàng đang tăng phi mã khiến thị trường mua bán vàng thời gian qua nóng hơn bao giờ hết. Ngoài tìm hiểu giá vàng trên thị trường, còn có một vài điều khác mà bạn cần nắm được.
"Dung Bán Vàng" (sở hữu kênh Tiktok với 270 nghìn lượt follow và 5 triệu lượt like) - một cô nàng với 15 năm kinh nghiệm bán vàng cùng gia đình, đã có những chia sẻ cụ thể và dễ hiểu nhất giúp mọi người nắm được những kiến thức cơ bản nhất khi quyết định mua vàng vào thời điểm này.
1. Đầu tư vàng
"Dung Bán Vàng" chia sẻ, dù giá vàng có lúc lên lúc xuống nhưng thời gian dài là vàng luôn tăng. Nếu mua vàng theo kiểu sắm trang sức đeo cho đẹp thì rất khó có khả năng sinh lời, nhưng nếu mua đầu tư thì nên mua vàng nhẫn 24K hoặc miếng vàng SJC.
* Mua vàng miếng SJC hay nhẫn trơn như thế nào để có lãi?
- Vàng miếng SJC là vàng độc quyền của Việt Nam nên độ uy tín luôn được đảm bảo, giá vàng miếng SJC sẽ cao hơn nhẫn trơn 24K. Trung bình chênh khoảng 10 triệu/ lượng. Vàng miếng SJC dễ mua, dễ bán, bạn có thể bán ở đâu cũng được với mức giá tương đổi ngang nhau, có chăng cũng chỉ chênh vài chục ngàn. Nếu có nhiều tiền dành để đầu tư vàng thì nên mua vàng miếng SJC.
- Nhẫn trơn 24K giá vừa phải hơn, từ vài trăm ngàn là có thể mua mua được vì nhẫn có nhiều kích cỡ, có nhẫn từ 1 phân đến một lượng và vài lượng. Giá nhẫn 1 phân bây giờ khoảng 700k. Giá vàng nhẫn trơn cũng sát với giá vàng thế giới. 90% các tiệm vàng đều sản xuất vàng nhẫn trơn để bán.
Với nhẫn vàng trơn thì nguyên tắc là mua đâu - bán đó. Ai mua ít một, tích góp dần dần thì mua nhẫn trơn 24K là hợp lý nhất. Và nên chọn những tiệm vàng hay thương hiệu uy tín, và mua hay bán cũng nên trung thành với một tiệm thôi.
* Lưu ý quan trọng khi mua, bảo quản vàng nhẫn trơn 24K và vàng miếng SJC:
Vì đặc tính vàng 24K và vàng miếng SJC có lượng vàng nguyên chất cao nên khá mềm và có thể sẽ bị hao hụt tùy vào thời gian và cách sử dụng. Vàng hao hụt đồng nghĩa với việc giá bán sẽ bị lỗ. Vậy nên để bảo quản vàng nhẫn, vàng miếng SJC bạn cần giữ nguyên vỉ bọc, để khi bán lượng vàng vẫn được bảo toàn như ban đầu.
2. Ký hiệu chữ K của vàng
Bất kỳ ai mua vàng, mua trang sức đều có nghe đến đơn vị karat (viết tắt là K) như 10K, 14K, 16K hay 24K... Karat để chỉ độ tinh chất của vàng trong hợp kim, được tính từ 1 - 24. Có nghĩa vàng 24K là lượng vàng chiếm tỷ lệ 24/24, tương tự vàng 18K là lượng vàng chiếm 18/24 phần.
- Vàng 18K là lượng vàng chiếm tỷ lệ 75%, còn 25% là các loại hợp kim khác như: Bạc, đồng và các kim loại khác. Tùy mỗi loại vàng sẽ có tỷ lệ và độ cứng nên dễ chế tác hơn, thường dùng để chế tác thành trang sức
- Vàng 24K để chỉ lượng vàng có độ tinh khiết lên đến 99.99% nên còn có tên gọi khác là vàng ròng, vàng ta hay vàng 4 số 9. Đây là loại vàng có màu sắc đậm nhất, mềm dẻo và cũng có giá trị nhất nên thường được mua để đầu tư sinh lời.
3. Cách tính tiền khi đi mua vàng
Có nhiều loại vàng qua chế tác (các loại trang sức chẳng hạn) còn có thêm tiền công chế tác nên giá mua sẽ nhỉnh hơn chút. "Dung Bán Vàng" cũng chia sẻ luôn cách tính tiền vàng mà tất cả các tiệm vàng bạc đá quý đều áp dụng.
"Trước khi tính tiền vàng, bạn cần biết được cân nặng và giá vàng thực tế tại thời điểm ấy, cùng tiền công chế tác món trang sức. Tiền vàng = Giá vàng x khối lượng vàng + tiền công chế tác. Mỗi loại trang sức đều có mức tiền công khác nhau. Tiền công ở đây là chi phí trả cho thợ chế tác khi họ làm nên một sản phẩm cầu kỳ, tỉ mỉ, chứ không phải tiền lãi cỉa tiệm vàng. Riêng nhẫn trơn sẽ không tính tiền công." - Dung chia sẻ.
4. Giấy tính tiền khi mua vàng
Mỗi khi mua vàng hay bán vàng, mọi người đều được nhân viên đưa một tờ giấy. Trên giấy sẽ ghi đầy đủ thông tin của món đồ bạn mua như tiền vàng, lượng vàng, loại vàng, thời gian mua/ bán vàng.
Theo như "Dung bán Vàng" chia sẻ, giấy tính tiền là để khác hàng khi giao dịch vàng cảm thấy yên tâm. Vài năm qua đi, tờ giấy tính tiền vàng giúp bạn biết chắc được mình đã mua lượng vàng này giá bao nhiêu để nắm được chênh lệch so với hiện tại. Nhìn vào giấy cũng biết được vàng hao hụt thế nào qua nhiều năm.
Tuy nhiên nhiều trường hợp khách mua hàng xong, làm thất lạc tờ giấy tính tiền vàng. "Thực tế mỗi tiệm đều đóng dấu thể hiện tên tiệm, cân lượng vàng và loại vàng. Lúc đem bán vàng, ở tiệm họ sẽ kiểm tra lại dấu mộc, vậy nên nếu mất giấy tính tiền vàng, bạn cũng đừng quá lo lắng" - Dung chia sẻ.