Hiện thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp. Giá vàng trong nước biến động mạnh cả về vàng miếng và vàng nhẫn, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội. Như mấy ngày gần đây, giá vàng miếng có thời điểm tiệm cận 82 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn cũng tiến sát 69 triệu đồng/lượng.
Trước tình trạng giá vàng tăng cao như hiện nay, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa có công văn yêu cầu các cục thuế địa phương tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý.
Yêu cầu của Tổng cục Thuế nhằm phát hiện các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh mua bán, chế tác vàng, đá quý không kê khai hoặc khai thiếu thuế (có sự chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế với kê khai thuế VAT). Công văn nêu rõ nếu phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm và có dấu hiệu tội phạm, cơ quan thuế địa phương chuyển hồ sơ sang công an để điều tra, xử lý.
Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nhu cầu tiêu thụ vàng như năm 2023 khoảng 55,5 tấn. Kinh doanh vàng bạc, đá quý lại là một trong những lĩnh vực rủi ro cao về gian lận, trốn thuế. Việc kiểm soát mua bán vàng miếng, nguyên liệu cũng gặp nhiều khó khăn do tình trạng buôn lậu vẫn "nóng". Vì thế, ngành thuế liên tục có động thái siết quản lý thu với hoạt động kinh doanh vàng bạc, đá quý.
Bên cạnh siết quản lý thuế thì Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến để sửa Luật Thuế giá trị gia tăng, trong đó cách tính thuế VAT trực tiếp với mua bán, chế tác vàng, đá quý vẫn được giữ nguyên. Theo cách tính hiện tại: Thuế VAT = giá trị tăng thêm (giá bán - mua vào) x thuế suất.
Tuy nhiên, nhiều địa phương góp ý nên thay phương pháp này bằng cách tính thuế theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu đối với các doanh nghiệp có hoạt động mua - bán, chế tác vàng bạc, đá quý do khó kiểm soát giá, từ đó có thể dẫn đến thất thu ngân sách.
Tỉnh Quảng Nam đề xuất, hiện nay vàng, bạc, đá quý là mặt hàng đặc biệt vừa là hàng hóa, vừa là phương tiện thanh toán nên rất khó kiểm soát giá. Mà các giao dịch mua bán vàng, đá quý thường nhỏ lẻ, không đủ hóa đơn, chứng từ đầu vào. Cùng với đó, chênh lệch giá mua và giá bán tại một thời điểm không cao. Do đó nếu áp dụng phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng thì dễ dẫn đến thất thu ngân sách Nhà nước.
Tỉnh Cần Thơ cũng phản ánh, thực tế cơ quan thuế chưa có biện pháp quản lý giá vốn mua vào bởi người dân đến bán vàng thường không có hóa đơn. Do đó, doanh nghiệp tự lập bảng kê theo thị trường. Giá mua thường tiệm cận giá bán, dẫn đến phần giá trị tăng thêm thấp. Thuế VAT phải nộp trong trường hợp này không đúng thực tế giao dịch.
Trước đề xuất của các địa phương, Bộ Tài chính cho hay không có cơ sở đưa ra mức tỷ lệ với hoạt động này và doanh thu kinh doanh vàng rất lớn nên Bộ đề nghị vẫn giữ nguyên cách tính như hiện nay.