Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 86/2024/NĐ-CP mới ban hành của Chính phủ về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro, việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD) và trường hợp TCTD phân bổ lãi phải thu phải thoái.
Theo đó, nghị định quy định tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể đối với nợ được phân loại từ nợ nhóm 1 đến nợ nhóm 5 của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cụ thể, nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) là 0%; nhóm 2 (nợ cần chú ý) là 5%; nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) là 20%; nhóm 4 (nợ nghi ngờ) là 50%; nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) là 100%.
Đối với tổ chức tài chính vi mô, tỷ lệ trích lập dự phòng như sau: nhóm 1: 0%; nhóm 2: 2%; nhóm 3: 25%; nhóm 4: 50%; nhóm 5: 100%.
Nghị định cũng quy định về trích lập dự phòng chung đối với TCTD (trừ tổ chức tài chính vi mô), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, số tiền dự phòng chung phải trích được xác định bằng 0,75% tổng số dư các khoản nợ được phân loại từ nợ nhóm 1 đến nhóm 4, trừ một số khoản như tiền gửi; khoản cho vay, mua có kỳ hạn giấy tờ; khoản mua chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu; khoản mua bán lại trái phiếu Chính phủ và các khoản nợ khác phát sinh từ hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này.
Còn tổ chức tài chính vi mô, số tiền dự phòng chung phải trích được xác định bằng 0,5% tổng số dư các khoản nợ được phân loại từ nợ nhóm 1 đến 4. Trong đó không bao gồm tiền gửi tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Về thời gian trích lập dự phòng rủi ro, đối với Ngân hàng thương mại, TCTD phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện trích lập dự phòng rủi ro trong 7 ngày đầu tiên của tháng.
Đối với tháng đầu tiên của quý, trong 3 ngày kể từ ngày nhận được danh sách khách hàng do CIC cung cấp sẽ điều chỉnh số tiền trích lập dự phòng rủi ro và thể hiện số tiền này trên báo cáo tài chính.
Với TCTD là các hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô sẽ thực hiện trích lập dự phòng rủi ro trong 7 ngày đầu tiên của tháng.
Thời gian qua, các nhà băng chủ động tăng trích dự phòng do lo lắng nợ xấu. Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước cho phép kéo dài thời gian tái cơ cấu nợ đến hết năm 2024.
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI dự báo, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 có thể chỉ tăng nhẹ, ước tính từ mức 1,63%, tăng lên 1,68%. Nguyên nhân là các ngân hàng sẽ đẩy mạnh việc xoá nợ xấu và nền kinh tế được dự báo phục hồi mạnh vào cuối năm nay. Dù vậy, các khoản nợ có vấn đề vẫn cần được giám sát chặt chẽ.