Trái phiếu phát hành riêng lẻ: Ngân hàng áp đảo nhóm ngành bất động sản

Luỹ kế từ đầu năm đến ngày 21/6, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt 110.200 tỉ đồng đồng, gấp 2,6 lần so cùng kỳ. Nhóm ngành ngân hàng chiếm áp đảo và gấp đôi nhóm ngành bất động sản.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, luỹ kế từ đầu năm đến ngày 21/6/2024 có 41 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lể với tổng khối lượng đạt 110,2 nghìn tỉ đồng, gấp 2,6 lần so cùng kỳ. Trong đó, dẫn đầu là nhóm tổ chức tín dụng với khối lượng phát hành đạt 69,6 nghìn tỉ đồng, chiếm 63,2%. Theo sau là nhóm doanh nghiệp bất động sản với khối lượng phát hành đạt 31,5 nghìn tỉ đồng, chiếm 28,6%. 

Giới phân tích nhận định, tận dụng môi trường lãi suất thấp, các tổ chức tín dụng tăng cường phát hành trái phiếu nhằm củng cố các tỷ lệ về an toàn vốn, đồng thời mở rộng quy mô vốn trung dài hạn đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm. 

tpdn-rieng-le-1720249476.jpg

Thị trường TPDN huy động 110,2 nghìn tỉ đồng trong nửa đầu năm.

Bộ Tài chính cho biết, về cơ cấu nhà đầu tư, nhà đầu tư là tổ chức mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp chiếm 94,8% khối lượng phát hành, chủ yếu tập trung vào các tổ chức tín dụng (53,5%) và công ty chứng khoán mua 21,9%. Các nhà đầu tư cá nhân mua khá khiếm tốn với 5,2%. 

Lãi suất phát hành bình quân là 7,41%/năm, kỳ hạn phát hành bình quân là 3,78 năm. Hiện có 14,5% trái phiếu phát hành có điều khoản đảm bảo. 

Đối với thị trường sơ cấp, tổng giá trị giao dịch TPDN riêng lẻ trong 6 tháng đạt 99,5 nghìn tỉ đồng, so với bình quân tháng 5 đã tăng 12,1%. 

Về khối lượng mua lại trước hạn, các tổ chức phát hành mua lại khoảng 59,8 nghìn tỉ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng trong tháng 6, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn 13,3 nghìn tỉ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong tháng 6 có 2 mã trái phiếu công bố chậm trả gốc, lãi mới với giá trị 980 tỉ đồng và 13 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc. 

Trong một diễn biến có liên quan, theo báo cáo do FiinRatings công bố mới đây cho thấy, giá trị trái phiếu đáo hạn trong nửa cuối năm đạt lần lượt 57,9 nghìn tỉ đồng và 77,4 nghìn tỉ đồng. Trong đó, phần lớn là trái phiếu bất động sản khi đạt giá trị là 37 nghìn tỉ đồng, chiếm 64% tổng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. 

Cùng với đó, một lượng lớn các doanh nghiệp đã có động thái thoả thuận với trái chủ giãn thời hạn thanh toán nợ gốc và sửa đổi kế hoạch mua lại, khiến áp lực thanh toán trước mắt được giải toả. 

448897901-3701591866767522-1712198592292587722-n-1-1720249476.jpg

Áp lực thanh toán hiện hữu với nhóm ngành bất động sản trong quý 3/2024 khi đạt giá trị là 37 nghìn tỉ đồng.

Dự báo về thị trường nửa cuối năm 2024, chuyên gia của FiinRatings cho rằng, nhu cầu vốn tín dụng và phát hành trái phiếu sẽ cải thiện đáng kể, do nhiều nhân tố. Trong đó, có tín hiệu phục hồi của lĩnh vực sản xuất được thể hiện qua sự tăng trưởng nhập khẩu nguyên vật liệu. 

Bên cạnh đó, chủ trương nới lỏng chính sách tiền tệ và tín dụng sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế và sự phục hồi của doanh nghiệp. Tín hiệu hồi phục của một số ngành chủ chốt, cụ thể là bất động sản ở phân khúc nhà bình dân tại một số địa phương. 

Để tiếp tục ổn định và phát triển thị trường TPDN, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thị trường. Đặc biệt, việc triển khai phối hợp đồng bộ các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, phục hồi thị trường địa ốc. 

Cùng với đó, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện điều hành tỷ lệ tăng trưởng tín dụng phù hợp, các biện pháp nhằm đảm bảo minh bạch và nâng cao chất lương trên thị trường TPDN. Cơ quan này cũng có biện pháp hỗ trợ để thị trường tự điều chỉnh, ngăn chặn các trường hợp lợi dụng chính sách, từ đó giúp thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững hơn. 

Chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần phải đưa TPDN thành một thị trường huy động vốn chủ chốt của nền kinh tế. Về lâu dài, TPDN phải là kênh huy động vốn trung, dài hạn chính của doanh nghiệp.

Ông Nghĩa cho biết, hiện ở Mỹ và châu Âu, với nguồn vốn dài hạn, các doanh nghiệp chủ yếu huy động qua thị trường trái phiếu, cổ phiếu. Còn ở Việt Nam, chúng ta còn phải làm rất nhiều điều để xây dựng thị trường TPDN lành mạnh. Đặc biệt, đẩy mạnh TPDN phát hành ra công chúng và tăng xếp hạng tín nhiệm. Ông cũng nhận định, nếu thiết kế thị trường bài bản, Việt Nam sẽ có thị trường TPDN hàng đầu khu vực. 

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc phát triển văn hoá xếp hạng tín nhiệm sẽ góp phần tăng tính minh bạch, cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, từ đó hình thành đường cong lợi suất, định giá trái phiếu.