Bệnh sởi diễn biến phức tạp
Số ca bệnh sởi tại các tỉnh thành phía Nam hiện nay tăng mạnh, lên tới hàng nghìn ca, gấp nhiều lần so với những năm trước, khiến nhiều tỉnh phải cảnh báo về tình trạng quá tải của hệ thống y tế. Các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM, Cà Mau, Bạc Liêu... đang ghi nhận số ca bệnh sởi tăng vọt, buộc nhiều bệnh viện phải mở thêm khu điều trị nội trú để đáp ứng nhu cầu.
Trong đó, Đồng Nai là địa phương có số ca sởi tăng cao nhất khu vực phía Nam. Tại khoa bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, tất cả các phòng bệnh đều chật kín bệnh nhi mắc sởi, nhiều giường bệnh phải kéo dài ra cả hành lang. Đội ngũ y bác sĩ đang làm việc hết sức căng thẳng. Cả bệnh nhi, người thân và các bác sĩ đều cảm thấy mệt mỏi.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, khoa hiện có 2 khu với 110 giường bệnh, nhưng phải tiếp nhận hơn 200 bệnh nhi mắc sởi. Do đó, nhiều trẻ phải nằm chung giường. Bệnh viện đã phải mở thêm khu điều trị, kê thêm giường bệnh và huy động thêm nhân lực để giải quyết tình trạng quá tải.
Chị T.T.L. (mẹ bệnh nhi N.Q.T., Trảng Bom) chia sẻ, con chị ban đầu chỉ sốt nhẹ. Nhưng 4 - 5 ngày sau, bệnh tình trở nặng, gây biến chứng viêm phổi. Bé mệt mỏi, ngủ li bì, không ăn uống. Chị L. thừa nhận đã chủ quan không tiêm vắc xin ngừa sởi cho con.
Còn tại khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, hiện có hàng chục bệnh nhi mắc sởi nặng, phải thở máy. Do số lượng bệnh nhi tăng cao, khoảng 2 tuần qua, bệnh viện đã phải thiết lập một khu vực hồi sức riêng để điều trị cho các bệnh nhi mắc sởi nặng, có biến chứng cần thở máy hoặc sốc nhiễm trùng.
Tại Bình Dương, đến nay đã ghi nhận 466 ca mắc sởi, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (năm 2023 chỉ có 8 ca). Đặc biệt, đã có một trường hợp tử vong do sởi, là một bé gái 13 tháng tuổi ở huyện Phú Giáo.
Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, các cơ quan chức năng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để ngăn ngừa sự gia tăng và giảm thiệt hại do bệnh sởi gây ra. Theo kế hoạch, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu tiêm vắc xin cho hơn 95% trẻ em, tuy nhiên hiện mới đạt 89%. Sở Y tế đang tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục và các địa phương phối hợp để triển khai tiêm chủng cho trẻ em đang đi học và cả những trẻ trong độ tuổi nhưng không đến trường.
Tại TP. HCM, tính đến ngày 6/12, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đang điều trị 102 ca sởi. Tuy nhiên, số ca bệnh từ các tỉnh chuyển đến chiếm tới 85%. Chị Thuỳ Linh (ngụ Tây Ninh) - đang chăm sóc con gái 9 tháng tuổi bị sởi tại khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM) cho biết, trước khi nhập viện, bé ho nhiều, sốt cao và phát ban. Khi đến viện, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi. Con gái chị mới chỉ tiêm một mũi vaccine 6 trong 1.
Chị Kim Lan (ngụ TP. Thủ Đức) cũng đang chăm con trai bị sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đã gần một tuần. Chị cho biết, trước đó bé bị nhiễm trùng phổi và phải nhập viện điều trị một tuần. Sau khi về nhà, bé lại bị sởi nên phải tiếp tục điều trị thêm một tuần nữa. Chị Lan chia sẻ, con mới 7 tháng tuổi nên chị chưa cho con tiêm vắc-xin sởi.
Khoảng 65 - 70% ca sởi là người lớn
Bác sĩ chuyên khoa 2 Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, đa số trẻ nhập viện đều có biến chứng của sởi, chủ yếu là viêm phổi và viêm ruột. Những trẻ có hệ miễn dịch bình thường thì bệnh tiến triển nhẹ, nhưng với những trẻ có bệnh lý nền như tim bẩm sinh, hội chứng thận hư hay ung thư, bệnh có thể diễn biến nặng và gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ Quy, không chỉ trẻ em, mà người lớn cũng có thể mắc bệnh sởi nếu chưa được tiêm chủng. Đặc biệt, phụ nữ mang thai nếu không tiêm vaccine sẽ đối mặt với nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng như sảy thai hoặc thai chết lưu. Thực tế, bệnh viện đã ghi nhận trường hợp một bà mẹ vừa sinh con, nhưng chưa tiêm vaccine và vô tình lây bệnh sởi cho con ngay tại bệnh viện.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy cho biết thêm, tại khoa này, bệnh viện đã mở khu cách ly phòng chống bệnh sởi và tổ chức tập huấn phác đồ điều trị cho bệnh viện tuyến tỉnh. Đồng thời, bệnh viện cũng chuẩn bị thuốc men và nhân sự để chăm sóc bệnh nhân mắc sởi. Trong vài tuần tới, nếu số ca nhập viện tăng, bệnh viện sẽ tính phương án nâng công suất giường bệnh.
Thời gian gần đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM cũng ghi nhận tình trạng bệnh nhân mắc sởi là người lớn tăng cao. Thống kê từ tháng 8/2024 đến nay, bệnh viện đã điều trị cho hơn 900 ca mắc sởi, trong đó khoảng 65 - 70% là người lớn. Trung bình mỗi ngày, khoa Nội A của bệnh viện tiếp nhận từ 6 - 7 bệnh nhân mắc sởi là người lớn. Hiện tại, khoa đang điều trị 23 ca mắc sởi là người lớn, trong đó có 4 trường hợp nặng phải thở oxy, có những bệnh nhân cần thở oxy liên tục trong 5 ngày.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Lan - khoa Nội A cho biết, trong hai tuần gần đây, số ca mắc sởi ở người lớn tăng liên tục. Để giảm tải, khoa đã chuyển các bệnh nhi mắc sởi sang khoa Nhi C để điều trị.
Trước đó, trong cuộc họp về công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm diễn ra mới đây, ông Nguyễn Lương Tâm - Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2023, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo về sự gia tăng số ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát dịch ở nhiều khu vực trên thế giới, gồm cả Việt Nam.
Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tỷ lệ tiêm chủng vắc xin cho trẻ em trên toàn cầu không đạt được mức bao phủ cần thiết, dẫn đến nguy cơ bùng phát các dịch bệnh, đặc biệt là bệnh sởi.
Trước tình hình bệnh sởi gia tăng, Bộ Y tế đã ban hành văn bản khẩn yêu cầu các tỉnh, thành và các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc tăng cường kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, Bộ yêu cầu các địa phương tổ chức tiêm bù và tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vắc xin phòng bệnh sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.