Ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh mạn tính tuổi già

Theo thống kê từ Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, khoảng 10% bệnh nhân đột quỵ ở độ tuổi 18 - 35. Tỷ lệ người dưới 35 tuổi mắc cao huyết áp cũng đang gia tăng, chiếm 5 - 12%. Bệnh đái tháo đường type 2, trước đây chủ yếu gặp ở người 45 - 65 tuổi, nay xuất hiện ở nhiều người dưới 20 tuổi.

Đột quỵ, suy thận gia tăng trong giới trẻ

Chị P.T.Y (28 tuổi, ngụ TP. HCM) nhập Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trong tình trạng phù toàn thân, khó thở và suy giảm chức năng thận nghiêm trọng, kèm theo các biến chứng của suy thận mạn như thiếu máu, rối loạn cân bằng canxi - phosphor.

Khi khai thác bệnh sử, các bác sĩ ghi nhận chị Y. không có bệnh lý nghiêm trọng. Tuy nhiên, chị Y. có thói quen uống trà sữa từ thời cấp 3 với tần suất khoảng 2 - 3 ly mỗi ngày, thậm chí có ngày chỉ uống trà sữa mà không ăn cơm.

benh-man-tinh-1-1731545466.jpg
Một bệnh nhân trẻ phải chạy thận tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Ảnh: Thảo Phương)

Khoảng một tháng trước khi nhập viện, chị Y. bắt đầu bị phù nặng dần và lượng nước tiểu giảm. Siêu âm bụng cho thấy, hai thận của chị đã teo nhỏ, mất đi sự phân biệt giữa vỏ và tủy thận. Chẩn đoán cuối cùng là phù phổi cấp do quá tải thể tích tuần hoàn.

Chị Y. được điều trị tổn thương thận cấp nghi ngờ do độc chất, đồng thời được chẩn đoán bệnh thận mạn giai đoạn V, kèm tăng huyết áp và thiếu máu. Các bác sĩ phải đặt catheter và tiến hành chạy thận cấp cứu cho chị. Sau hơn 3 tháng theo dõi và điều trị chạy thận, chức năng thận của chị không phục hồi. Các bác sĩ xác định, chị đã bước vào giai đoạn cuối của suy thận mạn và phải chạy thận định kỳ tại bệnh viện.

Anh N.M.T (25 tuổi) có thói quen uống khoảng 10 lon nước ngọt mỗi ngày trong suốt hơn 5 năm qua và trước đây chưa từng có dấu hiệu bất thường về chức năng thận. Khoảng một tháng trước khi nhập viện, anh T. cảm thấy mệt mỏi, mắt mờ, đau đầu và huyết áp tăng cao.

Anh tới khám tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Kết quả ghi nhận anh T. bị phù ở hai chân, mắt mờ, chức năng thận suy giảm nghiêm trọng. Bác sĩ chẩn đoán anh mắc hội chứng thận hư kèm viêm thận. Đồng thời, anh T. còn gặp các biến chứng của suy thận mạn như thiếu máu, rối loạn canxi - phosphor và teo nhỏ hai thận. Sau hơn 3 tháng chạy thận và theo dõi, chức năng thận của anh không có dấu hiệu phục hồi. Các bác sĩ xác định anh bị suy thận mạn giai đoạn cuối.

Các bệnh như đột quỵ, cao huyết áp, đái tháo đường và suy thận, vốn thường gặp ở người cao tuổi, hiện đang ngày càng xuất hiện ở người trẻ. Tại buổi tọa đàm "Gánh nặng bệnh mạn tính và tiềm năng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bệnh" diễn ra vào chiều 13/11, anh Nguyễn Hữu Tú - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cũng cho biết, các bệnh mạn tính ở Việt Nam đang có xu hướng trẻ hóa, trở thành mối lo ngại lớn cho sức khỏe cộng đồng.

Cụ thể, theo thống kê từ Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, khoảng 10% bệnh nhân đột quỵ ở độ tuổi 18 - 35. Tỷ lệ người dưới 35 tuổi mắc cao huyết áp cũng đang gia tăng, chiếm 5 - 12%. Bệnh đái tháo đường type 2, trước đây chủ yếu gặp ở người 45 - 65 tuổi, nay xuất hiện ở nhiều người dưới 20 tuổi. Mỗi năm, Việt Nam có thêm 8.000 ca suy thận mới, trong đó có nhiều bệnh nhân dưới 30 tuổi.

benh-man-tinh-1731545466.jpg
Anh Nguyễn Hữu Tú - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam

Nguyên nhân do lối sống

Một trong những nguyên nhân chính của xu hướng này là việc sử dụng thuốc lá điện tử và đồ uống có đường trong giới trẻ. Trong hai năm qua, tỷ lệ học sinh từ 13 - 15 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Ở độ tuổi 15 - 24, tỷ lệ sử dụng là 7,3%, giảm dần ở các độ tuổi lớn hơn.

Năm 2023, gần 700 cơ sở y tế trên cả nước ghi nhận 1.224 ca nhập viện liên quan đến thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, với các triệu chứng phổ biến như dị ứng, ngộ độc, và tổn thương phổi cấp tính.

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ chuyên khoa II Thái Phạm Thị Hòa - Trưởng khoa Nội thận - tiết niệu Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, suy thận có 2 nhóm nguyên nhân chính là bẩm sinh và do các yếu tố mắc phải. Trước đây, nguyên nhân phổ biến gây suy thận mắc phải là nhiễm khuẩn như viêm thận do liên cầu khuẩn. Với sự phát triển của kháng sinh, tỷ lệ suy thận do viêm nhiễm đã giảm. Tuy nhiên, suy thận do các yếu tố khác, đặc biệt từ thực phẩm, ngày càng trở nên nguy hiểm.

Bác sĩ Hòa lý giải, nhiều loại hóa chất độc hại được sử dụng trong bảo quản thực phẩm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến gan, thận và các cơ quan khác khi vào cơ thể. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần làm tăng nguy cơ suy thận.

Theo bác sĩ Hòa, lý do khiến bệnh suy thận gia tăng ở người trẻ là do lối sống ít vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh với nhiều thức ăn chế biến sẵn, năng lượng thừa, và thói quen lạm dụng rượu bia. Những yếu tố này dẫn đến bệnh cao huyết áp, đái tháo đường và tổn thương thận.

Ngoài ra, việc tự ý sử dụng thuốc giảm đau, kháng sinh, và thực phẩm chức năng không có chỉ định của bác sĩ cũng gây tác động tiêu cực đến thận. Đặc biệt, nhiều người trẻ chủ quan vì thấy sức khỏe ổn định nên không đi khám sức khỏe định kỳ. Bệnh suy thận tiến triển âm thầm, ít có triệu chứng rõ rệt, khiến nhiều người trẻ chỉ phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn cuối.