Tái diễn "vẽ bệnh moi tiền": Cần thắt chặt quản lý khám chữa bệnh tư nhân

Sở Y tế TP. HCM đã vào cuộc sau khi nhận được lời kêu cứu từ gia đình một bệnh nhân bị giữ lại tại Phòng khám Đa khoa Tháng Tám, nghi ngờ có việc "vẽ bệnh, moi tiền". Dù đã có nhiều cảnh báo, chiêu trò này vẫn tiếp tục tái diễn với thủ đoạn ngày càng tinh vi, khiến nhiều bệnh nhân rơi vào bẫy.

Giải cứu bệnh nhân ngay trên bàn mổ

Ngày 31/10, Sở Y tế TP. HCM cho biết đã nhận được lời kêu cứu từ gia đình một bệnh nhân bị giữ lại tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa Tháng Tám (số 74 Cách Mạng Tháng Tám, phường Võ Thị Sáu, quận 3) với nghi ngờ "vẽ bệnh, moi tiền".

Theo lời kể của mẹ của bệnh nhân, ngày 29/10, khi bà đưa con đến phòng khám để thực hiện phá thai thì được tư vấn mức giá 10 triệu đồng. Bác sĩ xác nhận thai nhi đã 18 tuần tuổi. Sau đó, một bác sĩ nữ vào khám và cho bệnh nhân uống thuốc để "trục thai" (tên thuốc không rõ). Tiếp theo, bệnh nhân được cấp hai viên thuốc để uống và hẹn ngày 30/10 quay lại tái khám.

phong-kham-1730349824.png
Phòng khám Đa khoa Tháng Tám bị người dân tố "vẽ bệnh moi tiền"

Đúng hẹn quay lại phòng khám, bệnh nhân được một nữ bác sĩ khám và chỉ định tiêm thuốc cùng lấy thai. Trong quá trình khám, bác sĩ thông báo do thai lớn nên đây là ca khó, cần thực hiện gói dịch vụ không đau với mức phí 65 triệu đồng. Vì không đủ khả năng chi trả, gia đình bệnh nhân đã gọi điện đến Sở Y tế TP. HCM để cầu cứu. Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp Trung tâm Cấp cứu 115 hỗ trợ, chuyển người bệnh đến Bệnh viện Từ Dũ để được tiếp tục điều trị.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận ekip điều trị gồm bác sĩ N.T.V và điều dưỡng L.T.T.N. Làm việc với lực lượng chức năng, bác sĩ N.T.V. xác nhận đã khám và chỉ định thuốc dưỡng thai, vitamin và sắt, nhưng không rõ về việc tư vấn và cấp thuốc đình chỉ thai.

Điều dưỡng L.T.T.N thừa nhận đã tư vấn gói dịch vụ phá thai không đau với mức giá 65 triệu đồng, cao hơn so với mức tư vấn ban đầu và tự ý cho bệnh nhân 2 viên thuốc đình chỉ thai “Misoprostol 200mcg” mà không có chỉ định của bác sĩ.

Thông tin từ Sở Y tế TP. HCM, Phòng khám Đa khoa Tháng Tám đã được cấp Giấy phép hoạt động khám chữa bệnh vào ngày 25/8/2022, do bác sĩ L.N.B chịu trách nhiệm chuyên môn. Phòng khám này đã được phê duyệt danh mục kỹ thuật cho bác sĩ Y.H.D - phụ trách Khoa sản, bao gồm kỹ thuật “Phá thai bằng thuốc cho tuổi thai đến hết 7 tuần”. Tuy nhiên, bác sĩ Y.H.D từng bị Thanh tra Sở Y tế xử phạt vi phạm hành chính, gồm cả hình thức xử phạt bổ sung tước chứng chỉ hành nghề trong 2 tháng từ ngày 25/9/2024.

Để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân, Thanh tra Sở Y tế yêu cầu cơ sở này tạm ngừng mọi hoạt động khám chữa bệnh ngay lập tức cho đến khi vụ việc được xử lý. Đáng chú ý, tại cùng địa chỉ này, Thanh tra Sở Y tế đã từng xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần đối với công ty và cá nhân liên quan trong các năm 2022, 2023 và 2024.

Thanh tra Sở sẽ chuyển hồ sơ đến cơ quan công an để điều tra và xem xét truy tố các hành vi vi phạm pháp luật ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và quyền lợi của người dân.

phong-kham-1-1730349823.jpg
Cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo về các chiêu thức "vẽ bệnh moi tiền" nhưng vẫn có người bị "sập bẫy"

Cảnh báo nhiều lần vẫn có người “sập bẫy”

Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về các chiêu trò "vẽ bệnh, moi tiền" của một số phòng khám tư, nhưng nhiều người vẫn chủ quan dẫn đến “sập bẫy”. Các thủ đoạn này không mới nhưng ngày càng tinh vi khiến bệnh nhân dễ bị dẫn dắt và chốt giá ngay trên bàn mổ với những gói điều trị "nâng theo cấp độ". Nhiều bệnh nhân đã phải chi ra số tiền gấp nhiều lần so với mức tư vấn ban đầu.

Theo quy định, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân có quyền quyết định mức phí dịch vụ và phải niêm yết công khai giá dịch vụ để bệnh nhân và gia đình biết. Điều này có nghĩa giá dịch vụ y tế tại các cơ sở này do chính họ xác định và chịu sự quản lý, giám sát của Sở Y tế. Đồng thời, các cơ sở này cần hoạt động đúng chức năng theo giấy phép đã đăng ký và công khai danh sách những người hành nghề tại cơ sở.

PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP. HCM khẳng định, nạn "vẽ bệnh, moi tiền" là hành vi "thiếu đạo đức", đồng thời kêu gọi người dân, nhân viên y tế cùng chung tay ngăn chặn.

Theo ông Thượng, khi ngành Y tế tiến hành kiểm tra các phòng khám, thường phát hiện những vi phạm tương tự nhau như: Cho phép người không có trình độ chuyên môn trực tiếp khám và điều trị bệnh, sử dụng nhân viên không có chứng chỉ hành nghề, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh trong thời gian bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc quảng cáo vượt quá phạm vi chuyên môn. Những vi phạm này thường xuyên tái diễn.

Về quy định, mức chế tài cho những vi phạm hiện nay đều theo khung chứ ngành y tế không thể tự đặt ra khung hình phạt. Cụ thể, quy định hiện hành chỉ phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng với một trong các hành vi như khám chữa bệnh trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hành nghề; khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn... Hình thức xử phạt bổ sung cũng chỉ tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 22 - 24 tháng.

Ông Thượng cho rằng, hình phạt cần phải nghiêm hơn nữa. Đặc biệt với những người cố tình lợi dụng việc khám sức khỏe để vụ lợi càng phải xử nghiêm như tước chứng chỉ hành nghề hoặc rút giấy phép hành nghề vĩnh viễn mới đủ sức răn đe.

Thực tế, các cơ sở y tế ngoài công lập có vai trò quan trọng trong việc giảm tải cho hệ thống y tế công lập, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, nếu các phòng khám không đầu tư vào chất lượng dịch vụ, bệnh nhân có thể sẽ không quay trở lại, nhất là khi việc chịu trách nhiệm thuộc về chính các cơ sở đó.

Ngoài ra, việc quản lý chất lượng khám chữa bệnh cũng là một thách thức lớn đối với các địa phương. Do đó, người dân cần cẩn trọng và tìm hiểu kỹ các dịch vụ y tế trước khi quyết định để tránh những rủi ro không đáng có.