Chị Trần Thu Thủy mới tổ chức đám cưới vào tuần trước. Chị chia sẻ, vợ chồng chị cưới giáp Tết nên nghĩ nhiều bạn bè ở xa đi đi về về thời gian giữa đám cưới và Tết quá gần, do vậy trên thiệp mời cưới đã in mã QR (số tài khoản ngân hàng được mã hóa). Bạn bè không về được thì có thể gửi tiền mừng qua đó.
Lúc làm thiệp mời và tận đến lúc gửi đi, chị và chồng vẫn chỉ nghĩ đó là để tiện lợi cho người được mời. Tuy nhiên, đến khi cưới chị mới nhận ra, có lẽ hoàn toàn không phải như vậy. Có một vài người bạn của chị gửi tiền mừng cưới qua tài khoản gọn lỏn chỉ có “Mừng cưới”, ngoài ra không có thêm một tin nhắn hay lời chúc nào khác. Chị cảm nhận đó như là để trả lại tiền chị đã mừng cưới trước đó mà thôi. Điều này cũng khiến chị hơi chạnh lòng.
Còn anh Danh (40 tuổi, quê Hà Nam) chia sẻ, từ đầu mùa cưới đến nay, anh không nhớ được đã nhận bao nhiêu thiệp mời có in mã QR. Những thiệp mời như thế này, anh chỉ gửi tiền mừng chứ không đến dự. Anh cảm thấy khó chịu vì việc in thêm mã QR giống như bị cô dâu, chú rể ép phải gửi tiền mừng, khách mời không được tôn trọng. Có lần anh đến một đám cưới, tiệc chưa tàn khách đã truyền tay nhau tấm thiệp để quét mã "rất phản cảm" vì không khác gì đi ăn nhà hàng mà chia tiền theo đầu người.
Thiệp mời cưới có in mã QR xuất hiện từ năm 2021. Khi đó, nó chỉ gây xôn xao dư luận một chút vì khác lạ. Phải sang năm 2022, một cặp đôi ở Giao Thủy, Nam Định tổ chức đám cưới nhưng không nhận tiền mừng cưới theo kiểu truyền thống mà in mã QR đặt ở cửa vào mới khiến cộng đồng bùng nổ.
Chú rể của đám cưới trên chia sẻ, anh cảm thấy việc mừng đám cưới bạn bè bằng phong bì sẽ khó kiểm soát, tổng hợp. Ngoài ra, việc dùng phong bì cũng khiến lượng rác thải ra môi trường tăng lên. Vì vậy quyết định sử dụng mã QR để bạn bè chuyển tiền mừng.
Dù gây nhiều tranh cãi nhưng theo thời gian, ngày càng có nhiều bạn trẻ chọn cách in mã QR trên thiệp cưới. Lê Lan (30 tuổi, ở Hà Nội) cho rằng, những tấm thiệp mời cưới có in mã QR là chuyện rất bình thường. Hai trong số ba thiệp cô nhận được gần đây là loại này. Khách mời nhận được thiệp có thể dùng app của ngân hàng quét mã QR và nhập số tiền muốn mừng cho đôi trẻ, tất cả tốn chưa đến một phút. Sau đám cưới, cô dâu chú rể cũng chỉ cần mở app là có thể thống kê được người gửi và số tiền mừng.
Tuấn Dũng đang sinh sống và làm việc ở TP. HCM cũng chia sẻ, cách thức này phù hợp với cuộc sống hiện đại. Anh xa quê đã nhiều năm, bạn bè mời cưới khó về bởi khoảng cách địa lý. Trước đây, anh phải liên hệ nhờ "làm phong bì" do ngại xin số tài khoản của cô dâu, chú rể. Nhưng không phải lúc nào anh cũng nhờ được, đành chờ đến khi có cơ hội gặp mặt mới tặng quà. Thiệp mời in mã QR tiện dụng rất nhiều.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm (Hà Nội), chuyện in mã QR lên thiệp cưới ngày càng phổ biến một phần xuất phát từ việc người trẻ chạy theo xu hướng, thấy bạn bè thực hiện nên học theo. Phương thức này cũng phù hợp với xã hội hiện đại khi gần 75% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng và thường xuyên giao dịch bằng phương thức chuyển khoản.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng in mã QR lên thiệp cưới hoặc phông bạt chưa được tế nhị và không phù hợp với văn hóa. Bà cho rằng nhiều người khi nhận thiệp cưới in mã QR sẽ có suy nghĩ đây là điều bắt buộc, là nợ phải trả nên tỏ ra khó chịu, không muốn dự tiệc cưới hoặc có cái nhìn thiếu thiện cảm với cô dâu, chú rể.
Để không rơi vào tình huống khó xử, bà Tâm khuyên các cặp vợ chồng trước khi tổ chức đám cưới nên cân nhắc, đặt mình vào vị trí của người được mời thay vì tự do làm theo ý thích cá nhân.