Người phụ nữ cầu cứu công an khi bị nhóm tín dụng đen đe dọa
Thời gian qua, hoạt động cho vay qua app, tín dụng đen, sau đó đòi nợ kiểu khủng bố nở rộ tại nhiều tỉnh, thành phố. Đối tượng “sập bẫy” tín dụng đen phần lớn là sinh viên, công nhân và lao động nghèo. Thậm chí, nhiều người không vay nợ, chẳng liên quan gì đến khoản vay, cũng không bảo lãnh cho người khác vay nhưng vẫn bị cá nhân, tổ chức tín dụng đen nhắn tin, gọi điện đe dọa, đưa thông tin không đúng sự thật của cá nhân lên mạng xã hội lên mạng xã hội nhằm vu khống, xúc phạm danh dự và nhân phẩm, gây áp lực để đòi nợ người vay.
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ, Hà Nội đã khởi tố vụ án và tạm giữ hình sự đối tượng Lê Đình Phùng, sinh năm 1980 đã có 4 tiền án, 2 tiền sự, là đối tượng cầm đầu; ối tượng Nguyễn Nhật Nam, sinh năm 1995, cùng trú tại quận Long Biên và Chu Ngọc Thăng, sinh năm 1984, trú tại quận Đống Đa về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Theo tài liệu của cơ quan Công an, cuối năm 2023, chị N.T.T.Q. (sinh năm 1982), trú tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) đã đến cơ quan Công an trình báo việc bị một nhóm đối tượng thường xuyên gọi điện thoại, đến tận nhà hoặc đe doạ ép phải trả nợ thay anh N.T.A. (chồng của chị Q.).
Khai báo với cơ quan Công an, chị Q chp biết, đầu tháng 11/2023, gia đình chị có việc cần tiền chồng chị đã vay "nóng" của một số đối tượng kinh doanh tài chính. Theo đó, chồng chị Q. bị các đối tượng cho vay “cắt phế” số tiền vài triệu đồng tiền lãi và chồng chị Q. phải trả tiền lãi lên đến 150-220%. Điều đáng nói, khi chồng chị Q. không có tiền hoặc chậm trả, nhóm đối tượng này đã cho người gọi điện thoại suốt ngày đêm và đến tận nhà đe doạ siết nợ, khiến các thành viên trong gia đình chị Q. bị đảo lộn, sống trong sợ hãi.
Sau khi tiếp nhận tin báo, Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ theo dõi, xác minh và thu thập đầy đủ chứng cứ về nhóm cho vay tín dụng đen này. Ngày 12/1, Đội Cảnh sát hình sự đồng loạt triệu tập các đối tượng liên quan là Lê Đình Phùng, Chu Ngọc Thăng, Nguyễn Nhật Nam. Đặc biệt, sau khi các đối tượng bị bắt giữ, đã có thêm 7 nạn nhân của nhóm đối tượng trên đến Công an quận Tây Hồ trình báo.
Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận, từ đầu tháng 11/2023 đã cho nhiều người vay tài chính với lãi xuất từ 150-220%. Trong khoảng thời gian đó, nhóm đối tượng đã thu lời bất chính trên 150 triệu đồng. Hiện Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ đang củng cố hồ sơ khởi tố các đối tượng về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Vụ việc trên không phải là hi hữu, thời gian qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã phát hiện, đấu tranh triệt phá các nhóm đối tượng tín dụng đen cho vay lãi nặng; xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự, khởi tố điều tra, truy tố, xét xử song hoạt động cho vay nặng lãi vẫn chưa được loại bỏ triệt để.
Tuyệt đối không vay tiền từ nguồn không chính thức trên mạng
Liên quan đến thực trạng nhiều cá nhân bị đe dọa, khủng bố do vay tín dụng đen, trao đổi với PV, LS. Phạm Tuấn Anh (Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh) cho biết, tín dụng đen có thể hiểu là một hình thức cho vay tín dụng với lãi suất cao hơn quy định của pháp luật từ các cá nhân, tổ chức. Các đối tượng này thực hiện các hoạt động cho vay tiền nhưng không đăng ký kinh doanh, không được sự cấp phép của Nhà nước.
Để tránh trở thành nạn nhân của tín dụng đen, Luật sư Tuấn Anh khuyến cáo, người lao động, học sinh, sinh viên tuyệt đối không vay tín dụng đen mà nên liên hệ với ngân hàng chính sách xã hội để được vay với lãi suất hỗ trợ.
Với những trường hợp khi trở thành nạn nhận của các tổ chức tín dụng đen khủng bố tinh thần, bôi nhọ danh dự nhân phẩm trên mạng xã hội hay đe dọa, gây thương tích… để đòi nợ ngay lập tức phải báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết.
Đồng quan điểm trên, trao đổi với PV, Thượng tá Đào Trung Hiếu – Tiến sĩ Tội phạm học cho biết: Công nghệ ngày càng phát triển, hình thức cho vay tiền qua app trở nên phổ biến và nhiều người đã “sập bẫy”. Với hình thức cho vay không cần tài sản thế chấp, thủ tục giải ngân vô cùng nhanh nên nhiều người đã lựa chọn mà không lường hết mức lãi suất rất cao ở mức “cắt cổ”. Ngay sau khi “con mồi” nhận số tiền giải ngân, các đối tượng sẽ lập tức cắt phí ( ví du, người vay 10 triệu đồng sẽ bị bên cho vay cắt lãi trước 3 triệu và thực nhận về chỉ còn 7 triệu đồng-PV). Do người cho vay không có tài sản thế chấp, phần lớn các đối tượng sẽ yêu cầu chụp Căn cước công dân, cho phép truy cập danh bạ… Theo đó, khi phát sinh tình huống người vay không đủ điều kiện trả đúng hẹn, lãi mẹ đẻ lãi con, họ bị rơi vào vòng xoáy vô cùng mệt mỏi.
Điều đáng lo ngại, đến thời hạn thu nợ, các đối tượng sẽ dùng những biện pháp không được pháp luật cho phép như: Gọi điện hoặc đăng lên mạng xã hội (ghép hình ảnh, xúc phạm dnah dự nhân phẩm-PV) làm phiền các mối quan hệ trong danh bạ của người vay để “khủng bố” tinh thần, thậm chí sử dụng các nhóm đời nợ thuê đi siết nợ với nhiều hình thức côn đồ, xã hội đen. Lâm vào tình cảnh đó, để có tiền trả nợi nhiều người lại vướng sâu vào nợ nần không lối thoát thi “sa chân” vay các app tín dụng khác.
Thượng tá Đào Trung Hiếu lưu ý, các cá nhân đi vay tiền cần phải có kế hoạch tài chính hợp lý, trả nợ đúng hạn và tuyệt đối không vay từ app này trả cho app khác.Với những trường hợp bị đe dọa hay khủng bố cần cung cấp cho cơ quan công an số điện thoại, nội dung tin nhắn hay các, chứng cứ về việc bị vu khống, bôi nhọ danh dự, băng ghi âm những lời lẽ, cuộc gọi vu khống, đe dọa.
Vị chuyên gia này khuyến cáo, người dân cần tiếp cận nguồn tín dụng tin cậy là các ngân hàng hay tổ chức tín dụng của Nhà nước hoặc tổ chức Công đoàn để được vay với lãi suất ưu đãi. Điều quan trọng, người dân tuyệt đối không tìm đến những nguồn vay không chính thức trên mạng kẻo sập bẫy lừa đảo.