Tiềm ẩn nhiều rủi ro khi mua bán vàng “ngoài quầy”

Việc mua bán vàng miếng SJC, vàng nhẫn 9999 vẫn đang âm thầm diễn ra tại nhiều hội nhóm trên Facebook. Hoạt động giao dịch vàng giữa các cá nhân thông qua mạng xã hội không chỉ tiềm ẩn rủi ro bị lừa đảo, còn có nguy cơ vi phạm pháp luật.

Rộ giao dịch trên mạng xã hội

Từ đầu năm đến nay, thị trường vàng trong nước có nhiều biến động bất thường theo xu hướng tăng giá liên tục, đặc biệt là vàng miếng. Để ổn định thị trường vàng, kéo giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có đấu thầu vàng.

Tuy nhiên, giải pháp này không mang lại hiệu quả nhưng mong đợi khi giá vàng vẫn tiếp tục tăng cao. Thậm chí, có thời điểm giá vàng miếng SJC còn lập đỉnh lịch sử khi vượt ngưỡng 92 triệu đồng/lượng.

vang-ngoai-quay-1717890700.jpeg
4 ngân hàng được phép bán vàng trực tiếp cho người dân

Đấu giá vàng không giải quyết được tình trạng bất ổn của thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã dừng và quyết định chuyển sang bán vàng cho 4 ngân hàng, để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp cho người dân.

Sau 5 ngày mở bán (tính đến ngày 8/6) vàng miếng tại 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC, giá vàng miếng SJC đã giảm liên tục 9 phiên. Tính từ vùng giá đỉnh lịch sử 92,4 triệu đồng, mỗi lượng vàng miếng SJC đã "bốc hơi" hơn 16 triệu đồng.

Người Việt có thói quen tích trữ vàng, thấy giá vàng giảm, rất nhiều người đã xếp hàng để mua. Tại nhiều điểm bán vàng, có đối tượng còn thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế.

Nhằm xử lý tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với cơ quan công an để xác minh và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng thị trường. Đồng thời với việc duy trì cung ứng vàng miếng SJC để đáp ứng các nhu cầu chính đáng và hợp pháp của người dân, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chủ động triển khai các giải pháp để đấu tranh mạnh mẽ với hiện tượng đầu cơ, gom hàng.

Đó là tại các điểm bán vàng trực tiếp, còn trên mạng xã hội hiện cũng có nhiều hội nhóm kết nối những người có nhu cầu mua hoặc bán các loại vàng. Chỉ cần gõ từ khóa "giao lưu vàng miếng" sẽ dễ dàng tìm ra hàng chục hội nhóm kiểu này trên mạng xã hội Facebook.

Theo những người lập ra các hội nhóm này, việc thực hiện giao dịch được thỏa thuận giữa các cá nhân không qua các cửa hàng, công ty để đỡ mất phí chênh lệch giữa giá mua - bán vàng niêm yết. Tài khoản T.L đăng "Cần bán 4 lượng vàng SJC giá 50/50 tại Sài Gòn, khu vực Gò Vấp", đính kèm hình ảnh 4 miếng kim loại màu vàng dập chữ "SAIGON JEWELRY COMPANY SJC rồng vàng 9999" loại 1 lượng.

T.L giải thích cho “giá 50/50” rằng, ví dụ mua 1 lượng vàng SJC ở cửa hàng có giá 90,4 triệu đồng thì T.L chỉ bán 89 triệu đồng. Như vậy, người mua đã mua thấp hơn được 1,4 triệu đồng, còn T.L bán cao hơn được 1,3 triệu đồng. Đôi bên cùng có lợi! Người này còn nói, nếu mua thì hai bên sẽ cùng ra cửa hàng để kiểm tra, đúng là vàng thật thì mới giao dịch.

vang-ngoai-quay-1-1717890700.jpg
Bài đăng mua - bán vàng trong các hội nhóm mạng xã hội (Ảnh: Facebook)

Tài khoản A.N. rao: "Mình cần bán 16 chỉ vàng PNJ gồm nhẫn tròn trơn, vàng miếng Kim Bảo và 1 nhẫn tròn trơn 10 chỉ Bảo Tín Mạnh Hải. Giá thấp hơn giá mua ở cửa hàng 800.000 đồng/lượng. Vàng còn nguyên tem, nguyên vỉ, bao check". 30 phút sau, tài khoản này đã sửa bài thành “bán hết”.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Việc "cưa" đôi chênh lệch giữa giá mua - bán các loại vàng, đặc biệt là vàng miếng SJC và vàng nhẫn 9999 của các thương hiệu quen thuộc đã phần nào khiến nhiều nhà đầu tư vàng "quay lưng" với các quầy giao dịch chính thống. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các cửa hàng, công ty kinh doanh vàng, dẫn đến nhiều doanh nghiệp tự ý lên bảng giá riêng để hút khách hàng, tạo ra những sàn giao dịch vàng "ngoài quầy".

Do có quá nhiều khách hàng đến mua vàng, hiện Công ty SJC giới hạn mỗi khách chỉ được mua 1 lượng vàng. Còn tại nhiều ngân hàng, khách mua vàng phải đăng ký trước. Cũng từ đây, nhiều người khi mua vàng số lượng lớn trong các hội nhóm trên mạng xã hội thì được người bán trao đổi rằng, Công ty SJC giới hạn số lượng mỗi người được mua 5 lượng/ngày. Nếu mua 10 lượng, người bán sẽ đứng tên 5 lượng giùm khách hàng.

Dù người bán cam kết tiền mua vàng được gửi vào tài khoản Công ty SJC, nhưng việc này vẫn tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo, mất tiền. Anh Nguyễn Hà Thanh (32 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, anh tham gia nhóm này đã vài tháng. Trong lúc giá vàng đạt đỉnh, hoạt động mua bán trong đây cũng rất sôi nổi, với tiêu chí là mua - bán cùng có lợi.

Còn mấy hôm nay, khi vàng giảm giá sâu thì việc mua vàng trở nên khó khăn, phải xếp hàng chờ đợi, rồi phải đăng ký trước. Hiện tại anh chưa dám giao dịch vì thấy mình vẫn còn khá lơ ngơ, cũng muốn mua bên ngoài cho sành tí nhưng sợ bị lừa.

Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP. HCM) cho biết, việc các cá nhân tự thỏa thuận giá vàng để giao dịch, mua bán các loại vàng nhẫn, vàng miếng với nhau nếu không đúng quy định có thể là hành vi vi phạm pháp luật. Cá nhân mua bán vàng miếng chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Nếu vi phạm, tùy vào mức độ sẽ bị xử phạt lên tới 20 triệu đồng.

Ngoài ra, theo luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật, việc giao dịch vàng “ngoài quầy” có thể dẫn đến nhiều rủi ro như không có hóa đơn chứng từ, bị cơ quan chức năng xác định là hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí bị coi là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, có thể bị tịch thu. Hơn nữa, các hội nhóm, diễn đàn giao dịch vàng trên mạng xã hội không được pháp luật bảo vệ.

Bên cạnh đó, nếu cá nhân tự thỏa thuận giá vàng miếng, vàng nhẫn để giao dịch thì có thể gây ảnh hưởng đến việc quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, gây mất ổn định thị trường vàng, hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó có việc không thu được thuế.

Theo Trúc Quyên (Tuổi Trẻ)

Mới đây, trong văn bản số 4696/NHNN-QLNH, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường phối hợp thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm hoạt động mua, bán vàng miếng tại các cửa hàng không có giấy phép kinh doanh.

Thực tế ghi nhận, có một số tiệm vàng không được cấp phép vẫn mua bán, kinh doanh vàng miếng SJC. Các tiệm vàng này thường không để vàng miếng SJC ở quầy, không niêm yết giá vàng miếng SJC nhưng khi khách hàng hỏi thì vẫn có giao dịch. Giá vàng miếng SJC tại các ngân hàng, doanh nghiệp được cấp phép và trên thị trường tự do cũng có sự cách biệt đáng kể.