Theo các nguồn tin thì Adam Presser, người đứng đầu bộ phận vận hành ứng dụng, cũng là người giám sát đơn vị phụ trách an toàn và tin cậy toàn cầu, đã gửi một bản ghi nhớ cho nhân viên vào thứ năm để thông báo về động thái này.
Hai nguồn tin cho biết, đợt sa thải bắt đầu vào cùng ngày đối với các đội ở Châu Á, Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi.
TikTok đang sa thải nhân sự tại bộ phận phụ trách an toàn và tin cậy toàn cầu.
Động thái này diễn ra khi số phận của TikTok vẫn còn bỏ ngỏ tại Mỹ - thị trường có tới 170 triệu người dùng. Ứng dụng video ngắn phổ biến được gần một nửa người Mỹ sử dụng đã ngừng hoạt động trong thời gian ngắn vào tháng trước, trước khi luật có hiệu lực vào ngày 19/1/2025 yêu cầu chủ sở hữu Trung Quốc ByteDance phải bán ứng dụng này vì lý do an ninh quốc gia hoặc phải đối mặt với lệnh cấm trên toàn nước Mỹ.
Sau một thời gian ngắn chặn tải TikTok, Apple và Google đã khôi phục quyền truy cập vào cửa hàng ứng dụng của họ sau khi Tổng chưởng lý Mỹ Pam Bondi đảm bảo rằng các nền tảng này sẽ không phải đối mặt với hình phạt.
Sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump đã gia hạn cho TikTok có thêm 75 ngày để tìm kiếm giải pháp mới sẽ hết hạn vào tháng 4, vì vậy hết thời gian này mà vẫn chưa đạt được một thỏa thuận nào hợp lý, tương lai của TikTok tại Mỹ vẫn còn khá bấp bênh.
Vào tháng 1 năm ngoái, CEO TikTok Shou Chew đã làm chứng trước Quốc hội Mỹ cùng với giám đốc Meta Mark Zuckerberg và các giám đốc công nghệ và truyền thông khác trong một phiên điều trần, tại đó các nhà lập pháp cáo buộc các công ty không bảo vệ được trẻ em khỏi các mối đe dọa xâm hại tình dục ngày càng gia tăng trên nền tảng của họ.
Trả lời câu hỏi của Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham, CEO của TikTok cho biết công ty sẽ chi hơn 2 tỷ USD cho các nỗ lực đảm bảo niềm tin và an toàn.
Vào tháng 10 năm ngoái, công ty đã sa thải hàng trăm nhân viên khỏi lực lượng lao động toàn cầu, bao gồm một số lượng lớn nhân viên ở Malaysia khi công ty chuyển hướng tập trung vào việc sử dụng AI nhiều hơn trong việc kiểm duyệt nội dung.
TikTok cho biết họ có 40.000 chuyên gia về an toàn và tin cậy trên toàn thế giới. Hiện chưa rõ mức độ cắt giảm tỷ lệ bao nhiêu đối với bộ phận này.
CEO của TikTok Shou Zi Chew.
TikTok và CEO Shou Zi Chew đã nhiều lần ca ngợi vai trò của nhóm phụ trách an toàn và tin cậy trong nỗ lực nhằm thuyết phục Quốc hội Mỹ rằng, ứng dụng này không phải là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Mặc dù vậy, công ty cũng đang đối diện với nhiều vụ kiện cáo ở khắp mọi nơi trên thế giới, liên quan đến việc kiểm duyệt nội dung và các trào lưu độc hại trên nền tảng của mình.
Đầu tháng 2 này, TikTok đã bị khởi kiện tại Mỹ liên quan đến vụ việc 4 thiếu niên Anh tử vong sau khi tham gia vào các trào lưu lan truyền trên nền tảng này. Trung tâm Luật về nạn nhân truyền thông xã hội Mỹ đã thay mặt các bậc cha mẹ của nạn nhân, đệ đơn kiện lên tòa án cấp cao của bang Delaware, cáo buộc rằng các nạn nhân đã tử vong khi thực hiện cái gọi là “thử thách ngạt thở” (Blackout) – người tham gia sẽ sử dụng bất kỳ hình thức nào để gây ngạt thở cho đến khi rơi vào trạng thái mất ý thức tạm thời, họ sẽ quay video quá trình thực hiện thử thách rồi chia sẻ lên mạng xã hội này.
Hồi tháng 1 năm nay, TikTok cũng bị người đứng đầu cơ quan tư pháp bang Iowa (Mỹ), bà Brenna kiện với cáo buộc nền tảng chia sẻ video này đánh lừa các bậc cha mẹ, khiến con của họ truy cập các nội dung không phù hợp trên ứng dụng như nội dung liên quan ma túy, ảnh khỏa thân, rượu và ngôn từ tục tĩu, khiêu dâm, tự làm hại bản thân… mà cha mẹ không hề hay biết.
Tháng 11/2024, TikTok cũng bị 7 gia đình tại Pháp đệ đơn kiện, cáo buộc nền tảng cho con họ tiếp xúc với nội dung độc hại, dẫn đến hai trường hợp tự sát ở tuổi 15…