TikTok kiện chính phủ Mỹ vì lệnh cấm ứng dụng đi ngược với hiến pháp

Ngày 7/5, TikTok và công ty mẹ ByteDance đã đệ đơn kiện sau khi chính phủ Mỹ thông qua luật buộc ByteDance phải thoái vốn khỏi nền tảng chia sẻ video ngắn hoặc bị cấm hoạt động tại Mỹ.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký luật buộc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok trong vòng 9 tháng hoặc buộc phải rút khỏi Mỹ sau khi cả Hạ viện và Thượng viện thông qua dự luật.

Trong đơn kiện, TikTok bác bỏ cáo buộc rằng nền tảng này có thể chia sẻ dữ liệu của người dùng Mỹ với Trung Quốc cũng như các hành vi gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Đồng thời, TikTok nêu ra những luận điểm cho rằng chính phủ Mỹ không có bằng chứng chính thức cho thấy những hành động như cáo buộc đã xảy ra.

2024-03-15t200759z-2-lynxnpek2-6506-6792-1715132730-1715160280.jpg
Một người giơ bảng "Giữ lại TikTok" trước tòa nhà Quốc hội Mỹ giữa tháng 3

Đơn kiện nêu rõ đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật cấm vĩnh viễn một nền tảng ngôn luận riêng biệt và nổi tiếng hoạt động trên toàn quốc. Điều này đồng nghĩa với việc cấm người dân Mỹ tham gia vào một cộng đồng trực tuyến với hơn 1 tỷ người dùng.

Bên cạnh đó, TikTok cũng cho rằng việc ByteDance buộc phải thoái vốn là không thể thực hiện được trong khung thời gian mà luật quy định. TikTok cho rằng cốt lõi không nằm ở vấn đề thương mại, công nghệ hay tính hợp pháp mà là quyền của người dùng Mỹ. Luật này sẽ buộc TikTok phải đóng cửa từ 19/1/2025 và khiến 170 triệu người Mỹ sử dụng nền tảng để giao tiếp theo cách không thể có ở những nơi khác.

Hiện Nhà Trắng và Bộ Tư pháp Mỹ chưa đưa ra bình luận.

tiktok-techcrunch-crop-1714115688246-1715160414.png
Đây là lần thứ hai TikTok phải đối mặt với thách thức pháp lý từ chính phủ Mỹ

Phó Giáo sư Trường Luật Cornell - G.S. Hans cho biết: Mỗi bên đã đưa ra những lý lẽ riêng nhưng phần thua đang nghiêng nhiều về phía TikTok. Ngoài ra, tu chính án thứ nhất là át chủ bài và sẽ cho phép TikTok có thể chiếm ưu thế nếu đưa ra được những lập luận hợp lý. Tuy nhiên, an ninh quốc gia cũng là át chủ bài của chính phủ. Trên thực tế, chính phủ thường thắng khi đã tuyên bố điều đó. G.S. Hans nói: "Câu hỏi ở đây là: Tòa án sẽ cho rằng con át chủ bài nào có giá trị hơn?”.

Đây cũng là lần thứ hai TikTok phải đối mặt với thách thức pháp lý từ chính phủ Mỹ. Trước đó, vào năm 2020, cựu Tổng thống Donald Trump đã cố gắng cấm TikTok nhưng đã bị các tòa án nước này ngăn chặn. Vụ kiện này được cho là có khả năng được đưa lên Tòa án Tối cao Mỹ.

Được biết, TikTok đã chia sẻ thuật toán cốt lõi với các ứng dụng nội địa của ByteDance và được đánh giá là tốt hơn so với các đối thủ như Tencent và Xiaohongshu. Theo một số nguồn tin nội bộ, TikTok sẽ không thoái vốn mà không có các thuật toán bởi giấy phép sở hữu trí tuệ của nền tảng này được đăng ký theo tập đoàn mẹ ở Trung Quốc. Bởi vậy, TikTok rất khó để tách ra khỏi công ty mẹ. Không chỉ vậy, ByteDance cũng không đồng ý bán TikTok cho các đối thủ.

Mới đây, trong một bài đăng chia sẻ trên Toutiao, ByteDance tuyên bố không có kế hoạch bán TikTok. Tuyên bố này cũng được cho là lời đáp trả sau khi bài báo của The Information đưa tin công ty này đang tìm cách lách luật để bán TikTok tại Mỹ mà không kèm theo thuật toán đề xuất video cho người dùng.