Tranh cãi vụ dùng xe cứu thương đưa diễn viên đến công chiếu phim

avatar
Xe cứu thương là phương tiện ưu tiên. Khi xe này hú còi di chuyển, các phương tiện khác phải nhường đường để tạo điều kiện đưa người bệnh đến cơ sở y tế nhanh nhất. Vì vậy, việc sử dụng xe cứu thương và tín hiệu ưu tiên của xe này phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, không ai được phép lợi dụng xe cứu thương hoặc tín hiệu ưu tiên cho các mục đích khác ngoài cứu người.

Lời xin lỗi từ đoàn phim

Chiều ngày 26/3, đoàn phim "Âm dương lộ" đã tổ chức buổi công chiếu tại TP. HCM với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ. Tuy nhiên, sự kiện đã gây tranh cãi khi ê-kíp phim sử dụng xe cứu thương để đưa các diễn viên đến tham dự.

Theo đó, vụ việc xảy ra tại đường Cao Thắng (quận 3) vào giờ cao điểm. Xe cứu thương bật đèn tín hiệu ưu tiên, hú còi giữa dòng xe cộ đông đúc trước khi dừng lại tại địa điểm tổ chức sự kiện. Khi đến nơi, các diễn viên Bạch Công Khanh, Lan Thy, Đại Nghĩa, Ngân Quỳnh… lần lượt bước xuống và giao lưu cùng khán giả.

xe-cuu-thuong-1743138092.jpg
Đoàn phim sử dụng xe cứu thương để đưa diễn viên đến tham dự buổi công chiếu

Đến tối 26/3, ê-kíp của phim "Âm dương lộ" đã chính thức gửi lời xin lỗi đến khán giả về hành động sử dụng xe cứu thương sai mục đích trong buổi ra mắt phim. Đây là một sai sót không thể chối cãi. Đoàn phim khẳng định sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự cố này mà không biện minh. Để khắc phục hậu quả, ê-kíp cam kết phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và đưa ra các biện pháp phòng ngừa nhằm tránh tái diễn sự việc tương tự trong tương lai.

Đại diện Phòng Cảnh sát Giao thông (PC08) Công an TP. HCM cho biết đã lập biên bản vi phạm hành chính với anh Bùi Thanh S. (42 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) - tài xế điều khiển xe cứu thương trên, đồng thời thu hồi giấy phép thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên. Theo quy định, anh S. sẽ bị xử phạt 2-3 triệu đồng.

Về sự việc trên, Sở Y tế TP. HCM xác nhận xe cứu thương trên không được Sở cấp phép hoạt động. Vào tháng 6/2024, xe này đã bị xử phạt vi phạm hành chính vì quảng cáo trái phép trên không gian mạng. Xe cứu thương này vốn thuộc Công ty TNHH Cấp cứu Phước Đức (quận 8), do ông P.T.T. là người đại diện pháp luật. Nhưng sau khi bị phát hiện vi phạm, công ty này đã giải thể.

Một thông tin đáng chú ý, xe cứu thương trên lại có giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên, được cấp cho Công ty TNHH Dịch vụ Thái Lợi. Tuy nhiên, công ty này cũng đã giải thể.

Trao đổi trên Báo Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia trong lĩnh vực cấp cứu khẳng định hiện nay có rất nhiều xe cứu thương, trong đó có những xe sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên không đúng quy định. Một số công ty cấp cứu sau khi được cấp phép hoạt động vẫn không xin giấy phép hoạt động của Sở Y tế TP. HCM. Điều này dẫn đến tình trạng nhân sự y tế và trang thiết bị không đủ tiêu chuẩn, nhưng xe cứu thương vẫn hoạt động trên đường, gây ra nhiều rủi ro.

Sở Y tế TP. HCM cũng nhận định, vấn đề quản lý xe cứu thương để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hiện nay là một trong những vấn đề "nóng", được ngành y tế đưa vào kế hoạch trọng tâm trong công tác thanh tra, kiểm tra. Thanh tra Sở Y tế sẽ tiếp tục kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến các cơ sở hoạt động không phép trong việc sử dụng xe cứu thương.

Một thách thức đáng chú ý là làm thế nào để kịp thời phát hiện và thu hồi giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên từ các công ty đã giải thể. Đây là vấn đề cần sự quan tâm và giải pháp từ các sở, ngành có liên quan.

xe-cuu-thuong-1-1743138092.jpg
Cảnh sát giao thông làm việc với tài xế Bùi Thanh S.

Dùng xe cứu thương vào các mục đích khác là trái phép

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên Báo Dân Trí, luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, theo Điều 3 Thông tư số 27/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, xe cứu thương chỉ được phép sử dụng cho các mục đích như chở, đón bệnh nhân đi cấp cứu; vận chuyển thầy thuốc, nhân viên y tế, trang thiết bị y tế phục vụ cấp cứu thảm họa, tai nạn giao thông và các nhu cầu cấp thiết khác trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh. Việc sử dụng xe cứu thương vào các mục đích khác là trái phép.

Về việc sử dụng tín hiệu ưu tiên, xe cứu thương chỉ được phép phát tín hiệu ưu tiên khi có giấy phép sử dụng thiết bị tín hiệu ưu tiên hợp lệ do cơ quan có thẩm quyền cấp và khi đang thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.

Theo khoản 24, Điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là sử dụng quyền ưu tiên của xe khi không thực hiện nhiệm vụ theo quy định pháp luật, cũng như lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên trái phép.

Dựa trên các quy định này, việc đoàn làm phim sử dụng xe cứu thương và phát tín hiệu ưu tiên khi di chuyển trên đường mà không nhằm mục đích y tế là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo các quy định hiện hành.

Cụ thể, điểm h, khoản 4, Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định, người điều khiển xe ưu tiên có hành vi sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên mà không có giấy phép hợp lệ hoặc có giấy phép nhưng đã hết hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng.

Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chỉ quy định xử phạt người điều khiển xe, mà không có quy định xử phạt đối với người ngồi trên xe hoặc người thuê xe cứu thương sử dụng sai mục đích. Do đó, đối với trách nhiệm của đoàn làm phim, cơ quan chức năng cần tiếp tục xem xét và đánh giá toàn diện để giải quyết vụ việc theo đúng quy định pháp luật.

Trong khi đó, nhiều ý kiến đánh giá xe cứu thương là phương tiện ưu tiên. Khi xe này hú còi di chuyển, các phương tiện khác phải nhường đường, chậm lại hoặc tấp vào lề để tạo điều kiện đưa người bệnh đến cơ sở y tế nhanh nhất. Do đó, luật pháp quy định rất chặt chẽ về việc sử dụng xe cứu thương cũng như các loại xe ưu tiên khác.

Chính vì vậy, việc sử dụng xe cứu thương và tín hiệu ưu tiên của xe này phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, không ai được phép lợi dụng xe cứu thương hoặc tín hiệu ưu tiên cho các mục đích khác ngoài cứu người.