Triệt phá 3 cơ sở làm cà phê giả: Nỗi buồn ở nơi được ví là thủ phủ của thế giới

Hiện nay, bên cạnh những cửa hàng lớn với ly cà phê giá vài chục nghìn đồng, thì cũng tồn tại loại giá rẻ chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng/ly. Người bán thường nói là cà phê nguyên chất, còn người mua uống theo kiểu “khuất mắt trông coi”, chứ không biết được đó là cà phê thật hay giả.

Dùng hóa chất làm cà phê giả

Ngày 26/1, Công an tỉnh Gia Lai cho biết đã khởi tố vụ án và bị can Nguyễn Hoàng Vũ (32 tuổi, trú TP. Pleiku) để điều tra về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm.

Trước đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, môi trường đã kiểm tra nhiều cơ sở sản xuất cà phê tại TP. Pleiku, phát hiện 3 cơ sở sản xuất và kinh doanh cà phê bột nhãn hiệu "Uyên" có hành vi tẩm ướp, trộn phụ gia và hóa chất không rõ nguồn gốc vào cà phê để tiêu thụ.

ca-phe-1-1737917311.jpg
Công an tỉnh Gia Lai phát hiện 3 cơ sở trộn phụ gia và hóa chất không rõ nguồn gốc vào cà phê

Công an đã tạm giữ hơn 800kg cà phê đóng gói thành phẩm, cùng 426kg cà phê đã trộn phụ gia nhưng chưa đóng gói. Số hàng này được phân phối tại nhiều địa bàn trong tỉnh Gia Lai và huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum). Kết quả giám định bước đầu cho thấy khoảng 785kg trong số đó là cà phê giả.

Trước khi bị phát hiện, một lượng lớn cà phê giả nhãn hiệu "Uyên" đã được tiêu thụ trên thị trường. Hiện, cơ quan công an tiếp tục mở rộng điều tra vụ việc.

Dù cơ quan chức năng đã ra quân xử lý nhiều vụ sản xuất cà phê giả, nhưng tình trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để. Trước vụ việc trên, vào tháng 7/2024, Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trần Văn Đồng (Đắk Nông) và Nguyễn Thanh Sỹ (TP. HCM, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Cà phê Trần Tiến) để điều tra về hành vi “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”.

Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện và bắt quả tang cơ sở sản xuất cà phê bột do Trần Văn Đồng làm chủ, sản xuất cà phê giả. Lực lượng chức năng thu giữ 392 gói cà phê bột, tổng trọng lượng 196kg.

Tiếp tục điều tra, công an kiểm tra xe ô tô của Nguyễn Thanh Sỹ phát hiện 1.193 gói cà phê bột (tổng trọng lượng 596,5kg) do Công ty Cà phê Trần Tiến sản xuất. Ngoài ra, lực lượng chức năng thu giữ thêm 187 gói cà phê bột khác với trọng lượng 93,5kg.

Kết quả giám định cho thấy các mẫu cà phê bột do Trần Văn Đồng và Nguyễn Thanh Sỹ sản xuất không chứa hàm lượng cafein, không đạt tiêu chuẩn chất lượng ghi trên bao bì và không phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về cà phê bột. Hai đối tượng khai, để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, chúng phân phối cà phê giả cho các tiệm tạp hóa nhỏ ở vùng sâu vùng xa với giá rẻ chỉ từ 50.000 - 70.000 đồng/kg.

ca-phe-1737917311.jpg
Cà phê giả bị Công an tỉnh Đắk Nông triệt phá

Nguy hại sức khỏe, tác động xấu thương hiệu

Việt Nam được mệnh danh là thủ phủ cà phê của thế giới, nhưng việc người tiêu dùng trong nước vẫn phải sử dụng cà phê giả, kém chất lượng hàng ngày là một nghịch lý đáng buồn.

Hành vi sản xuất cà phê giả không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cà phê mà còn làm tổn hại thương hiệu và uy tín của ngành. Cà phê bột giả chứa các hóa chất tạo màu, tạo mùi và chất điều vị, việc sử dụng lâu dài có thể gây hại cho sức khỏe, dẫn đến các triệu chứng như đau đầu, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, dị ứng, và nghiêm trọng hơn, có nguy cơ gây ung thư.

Theo các chuyên gia, cà phê không chứa cafein hoặc có hàm lượng rất thấp thường là cà phê được pha trộn với ngũ cốc rang cháy và thêm hương liệu hóa chất. Nguyên liệu để làm cà phê giả thường bao gồm cau đắng, ngô, đậu nành và các loại hương liệu công nghiệp.

Vỏ quả cau vốn có vị đắng tự nhiên, khi được nướng cháy sẽ tạo ra vị đắng giống cà phê, dễ khiến người tiêu dùng nhầm lẫn. Hạt ngô và đậu nành sau khi rang có màu sắc và mùi thơm tương tự cà phê, tạo cảm giác ngậy khi uống. Các loại hương liệu hóa chất được sử dụng trong sản xuất cà phê giả thường mua dễ dàng tại các cửa hàng nhưng nguồn gốc và độ an toàn không đảm bảo.

Ngoài ra, các phụ gia như hóa chất tạo bọt, tạo sánh - thường chỉ được sử dụng trong công nghiệp - cũng được đưa vào sản xuất cà phê giả. Những chất này không chỉ độc hại mà còn có nguy cơ gây vô sinh và ung thư.

Giám đốc một công ty sản xuất cà phê tại TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, khi cầm bột cà phê rang nguyên chất trên tay, có thể nhận thấy bột đầy, hạt to và nhẹ hơn so với cà phê giả làm từ đậu nành hay bắp rang cháy.

Bột cà phê nguyên chất có độ xốp, tơi và rời, trong khi bột cà phê giả thường dính lại và ít tơi. Đặc biệt, khi rang đúng nhiệt độ và thời gian, bột cà phê thật có màu nâu đậm đặc trưng. Ngược lại, bột từ bắp rang thường có màu đen đậm do bị cháy, còn bột đậu nành rang có màu nâu đục hoặc ngả vàng, hoàn toàn khác với màu của cà phê nguyên chất.