Trung Quốc: Áp dụng công nghệ nhận dạng gương mặt để hạn chế thời gian chơi game của trẻ

Theo quy định mới của Trung Quốc, trẻ em nước này sẽ bị giới hạn thời gian chơi game trong khoảng 15 giờ mỗi tháng, kể cả trong các kỳ nghỉ dài ngày như nghỉ đông. Các doanh nghiệp game cũng đang phải áp dụng công nghệ tiên tiến để kiểm soát giới hạn và ngăn ngừa sự gian lận trong vấn đề này.

Phản ứng lại quy định mới của chính quyền Trung Quốc, Tencent Holdings và NetEase, hai công ty trò chơi điện tử lớn nhất quốc gia này đã tuyên bố sẽ tuân thủ các quy định hiện hành, theo đó thời gian sử dụng không quá 16 giờ trong kỳ nghỉ học sẽ áp dụng đối với trẻ bắt đầu từ giữa tháng 1 năm nay.

Tencent, công ty điều hành doanh nghiệp trò chơi điện tử lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, cho biết trẻ em dưới 18 tuổi chỉ được chơi game giới hạn 15 giờ trong suốt khoảng thời gian từ ngày 13/1 đến ngày 13/2, trong khi đối thủ nhỏ hơn là NetEase đã hạn chế thời gian chơi game của trẻ vị thành niên không quá 16 giờ từ ngày 15/1 đến ngày 14/2. Đây là khoảng thời gian nghỉ đông quan trọng đối với các học sinh nước này.

game-1736642188.webp

Các doanh nghiệp game của Trung Quốc phải triển khai các giải pháp công nghệ để đảm bảo rằng người dưới 18 tuổi không được chơi quá 15 tiếng đồng hồ trong suốt kỳ nghỉ đông kéo dài 1 tháng tại nước này.

Để đáp ứng yêu cầu của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp game của Trung Quốc đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp công nghệ mới để ngăn chặn tình trạng "nghiện chơi game quá mức" của người trẻ.

Trước đó, Tencent và NetEase đã sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt trong nhiều năm để phát hiện người chơi và đảm bảo trẻ em không sử dụng tài khoản người lớn để lách luật. Tencent cho biết, họ đã nâng cấp các biện pháp để phát hiện và trừng phạt những người cố gắng vượt qua các hạn chế trong kỳ nghỉ sắp tới. Họ đã tạo ra cái gọi là "cơ sở dữ liệu tài khoản rủi ro", xác định các tài khoản có khả năng được mượn từ người lớn, kích hoạt nhận dạng khuôn mặt để xác minh người dùng.

Tencent lần đầu tiên giới thiệu công nghệ nhận dạng khuôn mặt cho trò chơi di động bom tấn Honor of Kings vào năm 2018, và sau đó làm tương tự với Peacekeeper Elite, phiên bản tiếng Trung của PUBG Mobile. Năm 2020, NetEase cho biết họ đã nhúng các công nghệ tương tự vào các tựa game của mình.

Trước đó, từ tháng 8/2021, cơ quan chức năng của nước này đã áp dụng giới hạn thời gian cho người chơi trẻ tuổi là một giờ mỗi ngày vào thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ theo luật định vì lo ngại rằng quá nhiều người trẻ tuổi đang nghiện trò chơi điện tử. Tuy nhiên, không có giới hạn về thời gian dành cho các hoạt động giải trí trực tuyến khác, chẳng hạn như video ngắn.

tencent-game-1736642387.jpg

Gian hàng của Tencent Games tại Hội nghị và Triển lãm Giải trí Kỹ thuật số Trung Quốc thường niên, tại Thượng Hải vào ngày 26/7/2024.

Bất chấp những giới hạn nghiêm ngặt, chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng lập trường của mình về trò chơi điện tử, coi các tựa game ăn khách như Black Myth Wukong là một công cụ mạnh mẽ giúp quảng bá văn hóa Trung Quốc. Cơ quan cấp phép trò chơi điện tử của Trung Quốc là Cục Báo chí và Xuất bản Quốc gia, đã phê duyệt hơn 1.400 tựa game vào năm ngoái - bao gồm 1.306 trò chơi trong nước và 110 trò chơi từ các nhà xuất bản nước ngoài - đánh dấu con số cao nhất kể từ năm 2019.

Mặc dù vậy, doanh số bán game do nước này phát triển chỉ tăng 1,7% vào năm 2024 lên 261 tỷ nhân dân tệ (35,6 tỷ USD), buộc các hãng game Trung Quốc phải mạo hiểm tìm cách phát triển ra nước ngoài.

Theo báo cáo chung được Hiệp hội xuất bản âm thanh-hình ảnh và kỹ thuật số Trung Quốc và công ty phân tích trò chơi điện tử CNG công bố vào tháng 12/2024, tính đến cuối năm 2023, Trung Quốc có gần 200 triệu người dùng internet dưới 18 tuổi, nhưng một phần tư trong số họ vẫn vượt quá giới hạn thời gian chơi vào năm 2024.

Người dưới 18 tuổi ở Việt Nam cũng không được chơi game quá 1 tiếng/1 game mỗi ngày

Tại Việt Nam, Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng có hiệu lực từ 25/12/2024 cũng đã áp dụng các quy định chặt chẽ về thời gian chơi game dành cho trẻ em. Trong đó, các doanh nghiệp cần phải đáp ứng các điều kiện tại điểm e khoản 1 Điều 48 Nghị định 47/2024/NĐ-CP mới có thể được Cấp Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng: "Có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm quản lý thời gian chơi trong ngày (từ 00h00 đến 24h00) của người chơi dưới 18 tuổi không quá 60 phút đối với từng trò chơi nhưng không quá 180 phút một ngày đối với tất cả trò chơi dành cho người chơi dưới 18 tuổi do doanh nghiệp cung cấp".

Các doanh nghiệp cũng phải có thông tin khuyến cáo với nội dung “Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe” tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi (nếu có) và trên màn hình thiết bị của người chơi theo tần suất 30 phút/lần trong quá trình chơi trò chơi.

Như vậy, người dưới 18 tuổi không được chơi quá 60 phút (1 tiếng)/1 trò chơi (game)/ngày; không quá 180 phút (3 tiếng)/game/ngày.