Tỷ lệ lấp đầy và giá thuê tăng trưởng cao, bất động sản công nghiệp "hút" doanh nghiệp "ngoại đạo"

Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường bất động sản, ngày càng có nhiều doanh nghiệp ngoài ngành “lấn sân” sang phân khúc khu công nghiệp.

Trong những năm gần đây, phân khúc bất động sản công nghiệp liên tục duy trì đà tăng trưởng so Việt Nam nổi lên là “bến đỗ” lý tưởng của làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Lĩnh vực hấp dẫn

Thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho thấy, cả nước có 418 khu công nghiệp (trong đó có 4 khu chế xuất) đã thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129.900 ha.

Các khu công nghiệp đã thu hút hơn 10.400 dự án đầu tư trong nước và hơn 11.200 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng 2,54 triệu tỉ đồng và 231 tỉ USD. Tỷ lệ lấp đầy và giá thuê duy trì tốc động ổn định.

Cụ thể, theo VNREA, các khu công nghiệp đang hoạt động có tỷ lệ lấp đầy ước tính trên 75%. Trong đó các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 82% và các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 92%. Nhu cầu thuê luôn ở mức cao và có xu hướng tăng đã đẩy giá thuê đất tại các khu công nghiệp lên cao, với mức tăng trưởng ổn định từ 8-12%/năm.

bat-dong-san-kcn-1718968846.jpg
Khu công nghiệp được đánh giá là "điểm sáng" của thị trường bất động sản

Nhu cầu kho bãi, nhà xưởng xây sẵn cho thuê cũng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, chủ yếu đến từ ngành công nghiệp sản xuất, thương mại điện tử, linh kiện, máy móc... Sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và logistics đang giúp thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam có nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai, hứa hẹn duy trì đã phát triển mạnh mẽ.

Đồng quan điểm, ông John Campbell - Phó giám đốc Bộ phận dịch vụ công nghiệp Savills TP. HCM cho biết, bất động sản công nghiệp duy trì tỷ lệ lấp đầy tốt, giá thuê liên tục tăng thời gian qua.

Cụ thể, giá thuê khu công nghiệp tại phía Bắc trong quý I đạt trung bình 138 USD/m2 mỗi chu kỳ thuê, tăng 30% so với cùng kỳ. Còn ở phía Nam, giá thuê tăng từ 152 USD/m2 của năm ngoái lên 174 USD/m2; Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM có tỷ lệ lấp đầy lần lượt 99%, 96%, 95%.

Dự báo trong 3 năm tới, bất động sản công nghiệp vẫn tiếp tục là “điểm sáng” nhờ dòng vốn FDI tăng trưởng tốt. Giá thuê đất công nghiệp có thể tăng 7 – 9% mỗi năm.

Doanh nghiệp ngoài ngành "lấn sân"

Nắm bắt được xu thế này, ông Nguyễn Thiện Tuấn – Chủ tịch HĐQT DIC Corp cho rằng, hiện tại là thời điểm đầu tư khu công nghiệp nếu không “sẽ bị lạc hậu”. Ông Tuấn cũng nhận định, lâu nay doanh nghiệp chỉ phát triển khu đô thị khiến doanh nghiệp mất một khoản thu lớn từ mảng khu công nghiệp.

Do vậy, DIC Holdings - thành viên của DIC Corp cũng vừa hợp tác với Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Vạn Thương để được ưu tiên làm tổng thầu thi công hạ tầng dự án 400 ha tại thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Tương tự, Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt dự kiến hoàn thành hồ sơ pháp lý xin chấp thuận chủ trương đầu tư khu công nghiệp hơn 400ha ở Quảng Ngãi. Song song với đó, doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm cơ hội với quỹ đất sạch ở một số địa phương.

dic-corp-1718968973.jpg
DIC Holdings - thành viên của DIC Corp cũng vừa hợp tác với Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Vạn Thương để được ưu tiên làm tổng thầu thi công hạ tầng dự án 400 ha tại thị xã Phú Mỹ

Đầu năm 2024, Tập đoàn Hà Đô cũng đã đề xuất đầu tư 2 cụm công nghiệp 100ha gần khu công nghiệp Cà Ná, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ chế biến, chế tạo. Lãnh đạo Hà Đô từng nhận định bất động sản công nghiệp sẽ là lĩnh vực phát triển trọng điểm của công ty trong giai đoạn 2025-2030.

Công ty CP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền đã ra mắt dự án Khu công nghiệp Lê Minh Xuân tại TP. HCM. Dự án đang hoàn tất bồi thường, giải phóng mặt bằng để đủ điều kiện đưa vào kinh doanh từ năm sau.

Trong một chia sẻ về hoạch định cho chặng đường phát triển của công ty, ông Trương Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân cho biết, trong giai đoạn 2024-2030, ngoài 2 lĩnh vực nhà ở xã hội và thương mại, công ty cũng sẽ quay lại đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp với việc đẩy mạnh hoạt động đấu thầu, đấu giá, hợp tác, M&A các dự án có sẵn và dự án mới.

Trước đó, Taseco Land cũng chính thức gia nhập lĩnh vực bất động sản công nghiệp khi trở thành nhà đầu tư dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III. Các doanh nghiệp “ngoại đạo” khác như Tập đoàn Hòa Phát cũng có kế hoạch phát triển 10 khu công nghiệp trong 10 năm tới; Tập đoàn Sơn Hà chính thức gia nhập thị trường này với việc khởi công Khu công nghiệp SHI IP Tam Dương (Vĩnh Phúc).

Hay như Vinhomes cũng đã thành lập pháp nhân Công ty CP Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes (VHIZ) và đề xuất loạt dự án quy mô lớn ở Hà Tĩnh, Hải Phòng…