Bất động sản "hút" vốn FDI: Cần chọn lọc kỹ để tránh những "bánh vẽ" triệu USD

FDI là dòng vốn quan trọng trên thị trường bất động sản. Nhưng hiện nay cũng có không ít các dự án “bánh vẽ” trị giá hàng triệu USD chậm triển khai, không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn tiềm ẩn những rủi ro pháp lý.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng đầu năm 2024, lĩnh vực bất động sản đã thu hút hơn 4,38 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước và đứng thứ hai trong các ngành nhận vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Những hệ lụy khó xử lý

Thực tế, bên cạnh các dự án có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đúng tiến độ thì không ít dự án có cam kết đầu tư lớn lại bị chậm tiến độ hoặc tạm ngừng do nhiều lý do. Một số dự án đã bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất đai và cản trở phát triển khu vực xung quanh.

Mới đây, Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây đã thông báo quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty TNHH Winvest Investment Việt Nam vì nợ thuế quá hạn hơn 5.400 tỉ đồng.

Công ty TNHH Winvest Investment Việt Nam được biết đến là chủ đầu tư của dự án Saigon Atlantis Hotel, với 100% vốn từ Tập đoàn Winvest LLC (Hoa Kỳ), có tổng vốn đầu tư lên đến 4,1 tỷ USD. Dự án có quy mô lớn, bao gồm hơn 297ha đất liền và hơn 600ha diện tích mặt nước biển. Tuy nhiên, sau 17 năm, dự án vẫn chưa được triển khai.

tu-du-an-saigon-atlantis-hotel-1728066192.jpg
Dự án Saigon Atlantis Hotel vẫn "bất động" sau 17 năm được trao quyết định đầu tư

Vào đầu tháng 3/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản báo cáo về dự án khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel tại thành phố Vũng Tàu do Công ty TNHH Winvest Investment Việt Nam làm chủ đầu tư.

Trong báo cáo, Sở đề xuất gia hạn thời gian xử lý dự án trong quý II/2024, do quy mô lớn của dự án FDI này, việc xử lý cần được xem xét kỹ lưỡng và đánh giá toàn diện để đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ, tránh các rủi ro về khiếu kiện quốc tế.

Tương tự, dự án Paradise Vũng Tàu của liên doanh Công ty Du lịch quốc tế Vũng Tàu và Công ty Paradise Development and Investment (Đài Loan) từng được xem là dự án du lịch lớn nhất cả nước được cấp phép từ năm 1991.

Dự án có diện tích 220ha, với tổng vốn đầu tư hơn 97 triệu USD, trong đó vốn pháp định là gần 62 triệu USD. Phía Việt Nam góp gần 15,5 triệu USD bằng giá trị quyền sử dụng 220ha đất ven biển trong thời hạn 25 năm. Tuy nhiên, đến nay, dự án mới chỉ thực hiện được 1/10 quy mô cam kết, các hạng mục khác vẫn "nằm trên giấy".

Tại Hà Nội, dự án tổ hợp chung cư Booyoung Vina tại quận Hà Đông của Công ty TNHH Booyoung Việt Nam, thuộc Booyoung Hàn Quốc. Mặc dù được khởi công từ năm 2007, dự án trên diện tích hơn 4,3ha với 6 ô đất mới chỉ xây dựng được 2 ô, trong khi 4 ô còn lại vẫn đang trong tình trạng quây tôn và "đắp chiếu".

Không cần thiết thu hút FDI một cách ồ ạt

Theo bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, từ cuối năm 2023 đến giữa năm 2024, đã có khoảng 16 thương vụ M&A bất động sản. Các nhà đầu tư nước ngoài đang ưu tiên tìm kiếm quỹ đất sạch, có giá trị thực và pháp lý hoàn chỉnh, với tiềm năng phát triển lớn.

Cushman & Wakefield nhận định ngoài bất động sản công nghiệp, phân khúc nhà ở cao cấp cũng thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Với dân số 100 triệu người, trong đó 70% ở độ tuổi lao động (15 - 64), cùng tốc độ đô thị hóa nhanh tại Hà Nội và TP.HCM, thị trường nhà ở Việt Nam ngày càng hấp dẫn.

du-an-paradise-vung-tau-1728066389.jpg
Dự án Paradise Vũng Tàu gây lãng phí 220ha "đất vàng"

Bà Trang Bùi cho biết, Việt Nam đang thu hút sự quan tâm lớn từ các nguồn vốn FDI trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động. Đây là thời điểm tốt cho các doanh nghiệp tài chính mạnh tăng cường thâu tóm hoặc hợp tác liên kết. Nhiều giao dịch đang trong quá trình đàm phán và có tiến triển tích cực, dự báo lượng lớn vốn FDI sẽ chảy vào bất động sản Việt Nam từ 2024 - 2026.

Ở góc nhìn khác, GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng Việt Nam cần nghiêm túc đánh giá lại gần 40 năm thu hút FDI để hiểu đúng về vai trò, ưu nhược điểm của dòng vốn này, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản.

Ông Võ nhấn mạnh, cần gắn FDI với tăng trưởng kinh tế và lợi ích của Việt Nam, không chỉ ưu tiên nhà đầu tư nước ngoài. Lợi ích của các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam cần được xem xét một cách tương xứng, và thu hút FDI một cách ồ ạt là không cần thiết trong hiện tại và tương lai.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án FDI vào lĩnh vực bất động sản cần được thực hiện nghiêm túc, nhằm chọn lọc các dự án phù hợp và tránh tình trạng chậm triển khai. Các cơ quan quản lý nên phối hợp với doanh nghiệp, công ty luật, ngân hàng và quỹ đầu tư để lập danh sách các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng quan tâm đến bất động sản tại Việt Nam, đồng thời sử dụng các kênh ngoại giao cấp cao để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này.