Bất động sản nhà ở hấp dẫn dòng vốn ngoại

TS. Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định, với dân số đông, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM phân khúc bất động sản nhà ở luôn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Bất động sản nhà ở hấp dẫn dòng vốn nước ngoài

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 31/8, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 20,52 tỷ USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, có 2.247 dự án mới được cấp phép với tổng số vốn đăng ký gần 12 tỷ USD, tăng 8,5% về số lượng dự án và 27% về vốn đăng ký so với năm trước.

Đặc biệt, lĩnh vực kinh doanh bất động sản ghi nhận với 2,4 tỷ USD, gấp 5,1 lần so với cùng kỳ, chiếm gần 20% tổng vốn đăng ký mới. Tính cả vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh, FDI vào bất động sản đạt 2,55 tỷ USD, gấp 3,7 lần cùng kỳ và chiếm gần 14,4% tổng vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm.

bat-dong-san-nha-o-1726362510.jpg

Phân khúc bất động sản nhà ở luôn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 812 triệu USD, chiếm 29%.

Trong 8 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt hơn 14 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 8 tháng trong vòng 5 năm qua. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,27 tỷ USD, gấp 2 lần cùng kỳ và chiếm 9% tổng vốn FDI thực hiện.

Theo TS. Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam nhận định, với dân số đông, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM với hơn 10 triệu dân mỗi nơi, phân khúc bất động sản nhà ở luôn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, vòng quay vốn cho bất động sản nhà ở thường kéo dài khoảng 5 năm, bao gồm 2 năm để hoàn tất thủ tục và xin giấy phép, cộng thêm 3 năm xây dựng để đạt được giai đoạn hoàn vốn. Cùng với đó là thách thức về quỹ đất ngày càng hạn chế.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã vào Việt Nam từ lâu và đã tích lũy được quỹ đất riêng, tạo lợi thế cạnh tranh. Trong khi đó, các nhà đầu tư mới thường chuyển hướng sang các lĩnh vực khác như tòa nhà văn phòng và bất động sản bán lẻ với suất sinh lời 7-8% mỗi năm. So với các quốc gia lân cận, tỷ lệ sinh lời từ bất động sản ở Việt Nam rất hấp dẫn, đạt 8-10% mỗi năm, trong khi các nước khác chỉ khoảng 2-3% mỗi năm.

Đẩy mạnh đầu tư thông qua M&A

Savills ghi nhận trong quý II vừa qua, có ba thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) nổi bật, bao gồm việc Tập đoàn Kim Oanh (Việt Nam) hợp tác với các đối tác Nhật Bản như NTT Urban Development, Sumitomo Forestry, và Kumagai Gumi Co Ltd để phát triển dự án The One World, một khu dân cư rộng 50 ha tại Bình Dương.

Tiếp đến là thương vụ Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam, thuộc Tập đoàn Công nghệ Tripod (Đài Loan), mua lại một lô đất công nghiệp rộng 18 ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ Sonadezi Châu Đức. Bên cạnh đó, Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) cũng đã mua lại 25% cổ phần của Dự án Paragon Đại Phước có diện tích 45,5 ha từ Tập đoàn Nam Long với giá trị khoảng 26 triệu USD.

khu-cong-nghiep-1726362601.jpeg

Bất động sản khu công nghiệp cũng là phân khúc hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cũngcho biết, phân khúc nhà ở vẫn là lựa chọn hấp dẫn cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước nhờ tỷ suất sinh lời cao. Trước đây, khoảng 15 năm trước, vốn FDI chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở cao cấp với những tên tuổi quen thuộc như Keppel Land hay Capitaland.

Hiện nay, thị trường đã có thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài mới tham gia như Lotte Group, GS, Sumitomo, và Hong Kong Land. Từ cuối năm 2023 đến nửa đầu năm 2024, thị trường đã ghi nhận khoảng 16 thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản. Các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu tìm kiếm các quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, giá trị thực tế và pháp lý hoàn chỉnh, với tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.

Ngoài bất động sản nhà ở và văn phòng, một phân khúc khác cũng hấp dẫn dòng vốn ngoại không kém là bất động sản công nghiệp. Thống kê của Savills cho thấy , Việt Nam hiện có 33.000 ha khu công nghiệp cho thuê, với tỷ lệ lấp đầy đạt 80%, nhu cầu cao, đặc biệt là ở khu vực phía Nam.

Xu hướng phát triển hiện nay đang nổi lên là các nhà kho và nhà xưởng xây sẵn, thu hút sự quan tâm đáng kể từ các nhà đầu tư. Tỷ lệ lấp đầy của loại bất động sản này trên toàn quốc cũng đạt 80%. Giá thuê trung bình hiện đạt mức 5,4 USD/m2/tháng và chủ yếu tập trung ở thị trường phía Nam.

Ông Jack Nguyễn - Tổng Giám đốc InCorp Việt Nam cho biết, dòng vốn FDI chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp sản xuất, bất động sản và năng lượng. Trong đó, Singapore, Nhật Bản và Hồng Kông - Trung Quốc vẫn là những nhà đầu tư lớn nhất.