Vướng vòng lao lý vì không trả lại tiền chuyển nhầm vào tài khoản

“Bỗng dưng” nhận được tiền của người khác chuyển nhầm vào tài khoản, nhưng không chịu trả lại là hành vi “chiếm giữ trái phép tài sản” có thể bị xử lý hình sự.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Phú Mỹ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa khởi tố bắt tạm giam Nguyễn Tiến Lực (sinh năm 1973, trú thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) để điều tra về hành vi "chiếm giữ trái phép tài sản".

Cụ thể, tháng 10/2023, ông Lực đã nhận được 484 triệu đồng do ông Nguyễn Văn Anh (sinh năm 1986) chuyển nhầm, nhưng sau nhiều biện pháp xin nhận lại tiền không có kết quả, ông Anh đã trình báo sự việc, tối giác tội phạm với cơ quan công an.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Phú Mỹ xác định, dù biết số tiền 484 triệu đồng là do người khác chuyển khoản nhầm nhưng Nguyễn Tiến Lực đã không liên hệ với ngân hàng hay chính quyền địa phương để trả lại mà dùng toàn bộ để tiêu sài cá nhân và không có khả năng trả lại.

chuyen-tien-nham-1721796009.jpg

Các thao tác nhanh chóng trong chuyển tiền online dễ gây ra sự nhầm lẫn

Hồi tháng 5 vừa qua, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phạm Khắc Dũng (sinh năm 1984) về hành vi “chiếm giữa trái phép tài sản”. Cụ thể, cuối năm 2022, Dũng có nhận được số tiền hơn 170 triệu đồng “đổ” vào tài khoản ngân hàng mình, dù không biết là tiền của ai nhưng vẫn chi tiêu hết.

Bà Nguyễn Thị H – người chuyển nhầm số tiền trên cho biết, ngay sau khi phát hiện ra sự nhầm lẫn, đã nhờ công an và ngân hàng để được hỗ trợ xin lại số tiền hơn 170 triệu đồng này. Sau khi xác định được danh tính cũng như nơi ở, cơ quan cảnh sát điều tra đã mời Dũng lên để giải quyết vụ việc.

Tại cơ quan công an, Dũng hứa chi trả dần cho người chuyển khoản nhầm mỗi tháng 5 triệu đồng nhưng 1 năm sau vẫn không thực hiện cam kết, khiến bà H. tiếp tục yêu cầu cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.

Cùng tội danh, tháng 3/2024, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng N.T.S.E (trú tại Hà Nội). Theo cơ quan điều tra, cuối năm 2021, tài khoản ngân hàng của E đã nhận được số tiền 300 triệu đồng do anh K không cẩn thận chuyển nhầm.

Ngay sau đó, anh K. đã chuyển thêm các khoản nhỏ, ghi chú đến người nhận nhầm là "xin được nhận lại tiền", đồng thời liên hệ ngân hàng làm việc với E. Tuy nhiên, E. không hợp tác và không trả lại tiền nên anh K. đã trình báo đến cơ quan công an.

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều sự việc liên quan đến việc “bỗng dưng” nhận được tiền nhưng không trả diễn ra thường xuyên trong nhiều năm trở lại đây. Với sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số, việc chuyển tiền online không còn xa lạ và được nhiều người sử dụng vì sự thuận tiện. Tuy nhiên, trong quá trình giao dịch có nhiều trường hợp nhầm lẫn trong quá trình thao tác dẫn đến tiền được chuyển sang cho người lạ.

chuyen-tien-nham-1-1721796214.jpg

Nếu phát hiện mình chuyển tiền nhầm vào tài khoản của người khác phải thông báo ngay cho ngân hàng để có cách xử lý kịp thời

Nói về cách xử lý với những trường hợp này, luật sư Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, nếu phát hiện mình chuyển tiền nhầm vào tài khoản của người khác thì phải thông báo ngay cho ngân hàng để có cách xử lý kịp thời. Nếu xác minh được giao dịch là nhầm lẫn, ngân hàng sẽ liên hệ với đại diện chi nhánh quản lý tài khoản nhận để yêu cầu họ hoàn trả, thời gian mất từ 30 đến 45 ngày.

Trong trường hợp, người nhận đã rút hết tiền và cố ý không hoàn trả hoặc không có khả năng hoàn trả, ngân hàng buộc phải liên hệ với chính quyền địa phương, báo công an để có hướng thu hồi lại số tiền. Nếu người nhận vẫn cố tình không hoàn trả, hoặc không có khả năng hoàn trả, người chuyển tiền nhầm có thể khởi kiện.

Đối với người nhận, cần trả lại tiền mà người khác chuyển nhầm để tránh rủi ro pháp lý. Sau khi nhận được thông báo của ngân hàng, nếu người nhận cố tình chiếm hữu, không trả lại tiền cho người chuyển nhầm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi “chiếm giữ trái phép tài sản” .

Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 được bổ sung bởi điểm d khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:

Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.