Nhà ở giá bình dân: Nhu cầu nhiều, nguồn cung nghẽn

Chung cư trung - cao cấp đang áp đảo nguồn cung trên thị trường chung cư. Hiện các dự án chung cư cao cấp được mở bán với giá cao chót vót. Trong khi đó, nhu cầu thực và phổ biến của người dân là căn hộ giá bình dân. Chưa bao giờ thị trường bất động sản chứng kiến phân khúc căn hộ bình dân thiếu trầm trọng như vậy.
Nguồn cung phân khúc căn hộ giá bình dân luôn thiếu hụt so với cầu (trong ảnh: Một chung cư tại khu vực Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều người dân có nhu cầu mua nhà để ở cho biết, họ mong muốn giá nhà chung cư về dưới 2,5 tỷ đồng/ căn. Thời điểm này tìm căn hộ chung cư cao cấp thì dễ, tìm căn hộ chung cư bình dân khó. Với các dự án mới được mở bán, giá chung cư chỉ dành cho người giàu.

Cơ cấu sản phẩm mất cân đối nghiêm trọng

Thời gian gần đây cũng có một vài thông tin chủ đầu tư mở bán dự án mới, nhưng giá cao, thậm chí trong các lời quảng cáo cũng đưa ra là chung cư cao cấp.

Chẳng hạn dự án Lumi Hanoi, chưa bàn về mức giá nhưng được giới thiệu bao gồm 9 tòa nhà cao từ 29 đến 35 tầng với khoảng 4.000 căn hộ cao cấp. Hay có những dự án khác, chỉ cần đọc mức giá cũng đã khiến cho nhiều người dân “lắc đầu”. Đơn cử, giá các căn hộ chung cư của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (Nam Long Group) tại dự án căn hộ Akari City (quận Bình Tân, TPHCM) là 45 triệu đồng/m2. Tại dự án Mizuki Park (Bình Chánh, TPHCM), giá bán của căn hộ là 46 triệu đồng/m2.

Có thể thấy rằng, trên thị trường chung cư hiện nay, căn hộ chung cư cao cấp áp đảo.

Một số báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường gần đây liên tục đề cập đến vấn đề khan hiếm nguồn cung căn hộ bình dân. Việc khan hiếm nguồn cung khiến giá căn hộ khó giảm, thậm chí tăng mạnh.

Năm 2023, Tổ nghiên cứu thị trường của Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam (VARS), đã thực hiện một báo cáo cho biết nguồn cung nhà ở thương mại "rất khan hiếm". Tỷ trọng nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc bình dân trên tổng nguồn cung căn hộ mở bán cũng liên tục tụt giảm, từ mức 30% vào năm 2019 còn 6% vào năm 2023.

Còn thông tin từ Bộ Xây dựng, trên thị trường gần như không có dự án phân khúc căn hộ bình dân, giá dưới 25 triệu đồng/m2 mà chủ yếu là phân khúc căn hộ trung cấp và cao cấp đủ điều kiện huy động vốn và giao dịch.

Theo ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), thị trường năm 2023 có nhiều tồn tại như sức mua kém, thiếu nguồn cung, cơ cấu không phù hợp, thiếu phân khúc phù hợp với người có thu nhập thấp, nguồn vốn cho BĐS và phát hành trái phiếu cũng còn nhiều rào cản.

Thị trường BĐS đã xuất hiện tình trạng lệch pha cung cầu, rất thiếu nguồn cung dự án dẫn đến rất thiếu nguồn cung nhà ở. Từ nhu cầu thực tế, các chuyên gia nhận định, năm 2024, thị trường BĐS sẽ có chu kỳ phát triển mới.

Theo nhận định của bà Trịnh Thị Kim Liên - Giám đốc kinh doanh DXS - FERI, phân khúc nhà ở thực, vừa túi tiền tiếp tục dẫn dắt thị trường trong các năm 2024. Bà Liên cho rằng, sức cầu của thị trường vẫn khá lớn. Người mua vẫn mong chờ có thêm nhiều sản phẩm mới phù hợp túi tiền để mua.

Chờ cuộc đua nhà ở giá bình dân

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM phân tích, do rất thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở giá thấp trên thị trường và do các chủ đầu tư dự án muốn tối đa hóa lợi nhuận, nên đã đẩy giá làm cho giá nhà luôn có xu thế tăng.

Thời gian qua, nhiều chủ đầu tư BĐS đẩy biên độ lợi nhuận lên tới 30 - 40%. Nguồn cung đang hướng tới giới đầu tư nhiều hơn đáp ứng nhu cầu ở. Việc đẩy giá về lâu dài sẽ gây nhiều hệ lụy tiêu cực cho thị trường, khi nhu cầu về nhà ở của đa số người dân không được đáp ứng. Trong khi đó căn hộ chung cư bình dân mới là mong muốn của người dân.

Ông Đinh Minh Tuấn - chuyên gia BĐS khu vực phía Nam cho rằng, BĐS thời gian qua được đẩy giá lên cao so với giá trị thực. Các chủ đầu tư khi giới thiệu ra thị trường đều thiết lập giá sản phẩm trong 2-3 năm tới, khiến cho giá bán vượt qua khả năng hấp thụ của số đông người mua.

Theo giới chuyên gia, muốn kéo giảm giá nhà thủ tục hành chính cần nhanh hơn, giảm chi phí để doanh nghiệp tạo sản phẩm có lợi và đúng với nhu cầu thật của người dân hiện nay.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, các doanh nghiệp BĐS cần xem xét đa dạng hóa và cơ cấu lại sản phẩm nhà ở, chuyển hướng mạnh sang phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp… Đây là các lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, vừa có ý nghĩa xã hội nhân văn, tuy có tỷ suất lợi nhuận thấp nhưng ít rủi ro, đồng thời có lợi cho việc xây dựng uy tín thương hiệu của doanh nghiệp.

Đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường BĐS Việt Nam sẽ thay đổi dựa vào tình hình kinh tế thế giới và điều hành kinh tế vĩ mô. Năm 2024 sẽ là “nền móng” cho chu kỳ phát triển mới của thị trường BĐS Việt Nam. Phân khúc BĐS nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá bình dân sẽ phát huy tốt vai trò trụ cột, dẫn dắt toàn bộ thị trường từ giữa năm 2024. Từ đó giúp thị trường phục hồi tốt hơn, tiệm cận đà phát triển an toàn, lành mạnh.