Điểm tên các “ông lớn” bất động sản nợ trái phiếu hàng nghìn tỷ đồng

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2024 khoảng 92 đơn vị địa ốc có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tổng nợ khoảng 99.500 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều "ông lớn" địa ốc được điểm tên.

Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về quản lý, giám sát việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Theo đó, trong năm 2024, 92 đơn vị địa ốc có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ khoảng 99.500 tỷ đồng.

Danh sách các đơn vị địa ốc có nợ trái phiếu đáo hạn cả nghìn tỷ trong năm nay bao gồm: Công ty TNHH TP Aqua; Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam; Công ty CP đầu tư Văn Phú - Invest; Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova; Công ty CP đầu tư Hải Phát; Công ty TNHH đầu tư và phát triển đô thị Hưng Yên; Tập đoàn Geleximco - CTCP; Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp - CTCP...

trai-phieu-123-1713611452.jpg
Năm 2024, 92 đơn vị địa ốc có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính tới thời điểm cuối năm 2023, tổng dư nợ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp là 351.390 tỷ đồng.

Trong danh sách này có nhiều “ông lớn” địa ốc như: Công ty CP đầu tư và xây dựng Vạn Trường Phát (khoảng 10.000 tỷ đồng), Công ty CP thương mại, quảng cáo, xây dựng, địa ốc Việt Hân (khoảng 9.700 tỷ đồng), Công ty CP đầu tư phát triển bất động sản TNR holdings Việt Nam (khoảng 9.300 tỷ đồng), Công ty CP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova (khoảng 6.500 tỷ đồng), Công ty CP bất động sản Hano-vid (khoảng 9.500 tỷ đồng), Công ty TNHH đầu tư và phát triển đô thị Hưng Yên (khoảng 7.200 tỷ đồng) Công ty CP Thái Sơn Long An (khoảng 8.700 tỷ đồng)…

TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính, ngân hàng cho biết, dù đã hết quý I/2024, nhưng thị trường vẫn khá trầm lắng, chưa khởi sắc như kỳ vọng. Tình trạng mất cân bằng cung - cầu vẫn chưa được cải thiện khiến thanh khoản kém, tiềm lực tài chính của doanh nghiệp yếu… hiện các nhà phát hành trái phiếu đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn để trả nợ. 

Mặc dù có một số doanh nghiệp phát hành những lô trái phiếu mới nhưng rất ít, không đáng kể. Trong khi, lượng phát hành trái phiếu mới giảm mạnh thì áp lực đáo hạn từ nay đến cuối năm của các doanh nghiệp địa ốc vẫn rất lớn.

Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp ngành này đều đang đối mặt với tình trạng “khát” tiền. Trong khi, rõ ràng đặc thù của ngành này thì hoạt động kinh doanh phụ thuộc phần lớn vào vốn vay. Do đó, khả năng trả nợ của các doanh nghiệp địa ốc vẫn là một bài toán khó.

trai-phieu-bds-1713611472.jpg
Phần lớn doanh nghiệp bất động sản đều đối mặt với tình trạng “khát” tiền.

Bàn về thực trạng này, TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, để không phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, doanh nghiệp cần nhanh chóng tái cơ cấu lại các khoản nợ. Cân nhắc việc bán bớt tài sản, chấp nhận hòa vốn thậm chí lỗ để có dòng tiền và hoàn thiện những dự án có thể thanh khoản ngay khi đưa ra thị trường.

Ông Đính đề xuất, ngoài các nguồn tài chính quen thuộc như ngân hàng và trái phiếu, doanh nghiệp cũng cần có các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác như quỹ đầu tư bất động sản (REIT), quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản… Hoặc kênh khác như đầu tư trực tiếp, gián tiếp từ nước ngoài.

Để giảm “gánh” nợ trái phiếu năm nay và các năm tiếp theo, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai các giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản theo Nghị quyết 33 của Chính phủ.

Trong đó, kịp thời rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc về pháp lý và trong triển khai thực hiện dự án. Đặc biệt là các doanh nghiệp có trái phiếu đáo hạn trong năm nay để các đơn vị này hoàn thiện dự án, đưa sản phẩm ra thị trường, khôi phục dòng tiền, qua đó giúp ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp.