Thị trường khởi sắc với những con số ấn tượng
Nhìn lại về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), trong giai đoạn 2018 - 2021 phát triển rất nhanh, rất nóng và tổng khối lượng phát hành vượt xa nhiều năm trước đó cộng lại. Ngay cả trong và sau khi xảy ra Đại dịch COVID-19 (năm 2019 và 2020) khi đó hoạt động của nền kinh tế trong nước gần như đóng băng, gián đoạn nhưng thị trường trái phiếu vẫn phát triển mạnh mẽ.
Sang đến giai đoạn năm 2022 và 2023, thị trường TPDN Việt Nam đã suy giảm mạnh, thể hiện ở số lượng phát hành lần lượt là 285 đợt và 362 đợt. Về giá trị cũng giảm, năm 2022 đạt 166.120 tỷ đồng và năm 2023 là 345.451 tỷ đồng. Hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn với việc phát hành trái phiếu mới và phải đối mặt với áp lực thanh toán đáo hạn. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp trong đó phần lớn là doanh nghiệp bất động sản đã không có khả năng thanh toán đầy đủ và đúng hạn.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm Thông tư số 10/2023/TT/NHNN được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành nhằm hỗ trợ thị trường vốn thị trường đã tươi sáng hơn. Từ ngày 1/10/2023, Thông tư 08/2020/TT-NHNN bắt đầu có hiệu lực, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn dành cho vay trung và dài hạn được giảm xuống 30%. Đây được xem là nhân tố chính dẫn đến sự tăng vọt trong việc phát hành trái phiếu của các ngân hàng vào nửa cuối năm 2023.
Theo số liệu mới nhất của Công ty Chứng khoán MB (MBS), từ ngày 1/5-22/5/2024 tổng giá trị TPDN phát hành thành công đạt hơn 10,7 nghìn tỷ đồng, gấp 3 lần so cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế từ đầu năm, đạt hơn 57,1 nghìn tỷ đồng tổng giá trị TPDN, tăng 62% so cùng kỳ năm 2023. Những con số này thể hiện sự “ấm” dần lên của thị trường nếu so với sự “đóng bóng" trong năm 2023.
Bất động sản là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 25,3 nghìn tỷ đồng chiếm 44% tổng giá trị phát hành TPDN, lãi suất bình quân là 12.3%/năm, kỳ hạn bình quân 2.4 năm.
Các ngân hàng cũng tăng mạnh hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu, tổng giá trị phát hành đạt 19,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 35%. Trong khi cùng kỳ năm 2023 giá trị phát hành của các Ngân hàng chỉ đạt 300 tỷ đồng. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu ngân hàng vẫn là 5,3%/năm, kỳ hạn bình quân là 4,8 năm.
Bắt đầu chu kỳ phát triển mới
Có thể thấy, thời điểm khó khăn nhất của thị trường TPDN Việt Nam đã đi qua, trong ngắn hạn thị trường đang từng bước phục hồi và phát triển ổn định trở lại. Trung và dài hạn, dự báo thị trường còn nhiều dư địa, tiềm năng và triển vọng để phát triển. Đồng thời phấn đấu mục tiêu phát triển thị trường đạt khoảng 25–30% GDP quốc gia đến năm 2030.
Theo dự báo của nhiều chuyên gia, thời gian tới thị trường TPDN Việt Nam sẽ bước vào chu kỳ phát triển mới, đúng hướng, an toàn, ổn định, lành mạnh và bền vững hơn so với trước đây.
Theo chuyên gia kinh tế - tài chính Định Trọng Thịnh, tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đã được cải thiện. Chính vì thế, trong thời tới thị trường trái phiếu sẽ sôi động hơn. Bởi lẽ, doanh nghiệp đã dần quen với việc thực hiện Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Về lâu dài, việc thực hiện Nghị định này sẽ giúp lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư, tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu phát triển hiệu quả, an toàn, ổn định và bền vững.
Ngoài ra, việc dự báo từ năm 2024 trở đi thị trường trái phiếu phát triển bền vững hơn còn dựa vào các yếu tố sau: Công tác quản lý Nhà nước được tăng cường hơn, hiệu lực và hiệu quả hơn. Các tổ chức phát hành phải tuân thủ các quy định liên quan đến việc công bố thông tin và báo cáo về chào bán, đăng ký, lưu ký trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước. Chất lượng tín nhiệm các tổ chức phát hành và các trái phiếu phát hành được chú trọng hơn.
Các chủ thể tham gia thị trường liên quan đến các hoạt động kinh doanh thị trường trái phiếu phải tuân thủ tuyệt đối các quy định pháp luật trong các hoạt động hỗ trợ, trung gian và tư vấn dịch vụ doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Các Nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp đã nâng cao nhận thức về rủi ro, hiểu biết kiến thức thay vì chỉ tập trung đến yếu tố lãi suất như trước đây.