Cận cảnh tuyến đường 10 làn xe xuyên qua khu đô thị đắt đỏ bậc nhất Hà Nội
Sau khi hoàn thành, đường Tây Thăng Long sẽ kết nối nhiều quận, huyện phía Tây Thủ đô và thúc đẩy tiềm năng bất động sản khu vực này. Tuyến đường rộng 60m, gồm 10 làn xe và có tổng chiều dài 33km.
Trước đây, Hà Nội đã có 3 trục đường kết hướng tâm theo hướng Đông – Tây là đại lộ Thăng Long, quốc lộ 32 và quốc lộ 6. Hiện nay, dự án tuyến đường trục hướng tâm này kết nối đô thị vệ tinh Sơn Tây với các khu vực đô thị trung tâm khác, đồng thời kết nối 5 quận, huyện, thị xã là Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Phúc Thọ, Tx. Sơn Tây.
Đường Tây Thăng Long được chia thành 5 đoạn thi công. Trong đó, đoạn đường từ Võ Chí Công đến Phạm Văn Đồng, đi qua Khu đô thị Tây Hồ Tây dài 2,1km được gọi là đoạn 1. Đoạn 2 nối từ Phạm Văn Đồng đến đường Văn Tiến Dũng có chiều dài 3,2km. Đoạn 3 từ Văn Tiến Dũng đến Tây Tựu – Thượng Cát dài khoảng 3km. Đoạn 4 kết nối từ Tây Tựu đến Vành đai 4 dài 4,9km và đoạn cuối dài 20km kéo dài từ Vành đai 4 đến Tx. Sơn Tây. Hiện nay đoạn 1 và 3 đã được hoàn thành. Đoạn 2 đang gấp rút hoàn thiện. Sau khi đoạn 2 hoàn thành, năm 2024 dự kiến sẽ thông tuyến từ đường Võ Chí Công đến Tây Tựu, Thượng Cát. Trong khí đó, đoạn 4 và 5 vẫn chưa triển khai.
Đường Tây Thăng Long có tổng chiều dài hơn 33km với 10 làn xe, điểm đầu giao với đường Võ Chí Công (Vành đai 2) và điểm cuối giao với Quốc lộ 32 thuộc khu vực Tx. Sơn Tây.
Đoạn 1 từ Võ Chí Công tới Phạm Văn Đồng (Vành đai 3) với tổng chiều dài trên 2km đã đi vào hoạt động. Thế nhưng, do đoạn 2 chưa giải phóng được khu dân cư nên 2 đoạn đường này chưa thể kết nối với nhau.
Ở đoạn đường 2, điểm bắt đầu của tuyến đường Tây Thăng Long buộc phải vượt qua sông Nhuệ. Đến nay, do chưa giải phóng được mặt bằng nên dự án xây cầu vẫn chưa được triển khai. Hiện tại người dân di chuyển chủ yếu qua cầu Noi bên cạnh. Theo đó, bề mặt sông Nhuệ không rộng, các phiến dầm đã được đúc sẵn do vậy nếu mặt bằng giải phóng thành công thì việc thi công sẽ diễn ra nhanh chóng.
Với chiều dài 3,2km, đoạn 2 nối từ Phạm Văn Đồng đến Văn Tiến Dũng được đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng. Đoạn đường này dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021, tuy nhiên đến nay vẫn chưa xong. Bức ảnh thể hiện đoạn đường từ bờ sông Nhuệ đến Học viện Cảnh sát Nhân dân với mặt bằng tương đối thuận lợi để triển khai thi công. Nhưng tại đây chỉ xuất hiện một vài mát móc, phương tiện phục vụ công tác thi công.
Đoạn đường từ Văn Tiến Dũng đến Vành đai 3.5 (đoạn 3) có chiều dài khoảng 3km đã hoàn thành. Đoạn đường này hiện nay có lưu lượng giao thông thấp, chủ yếu là người dân địa phương qua lại.
Đoạn 3 có điểm kết giao cắt với Vành đai 3.5 và đường 70 (Tây Tựu)
Đến thời điểm hiện tại, đường Tây Thăng Long vẫn đang tạm dừng tại điểm kết này.
Đoạn 4, 5 vẫn chưa được triển khai. Theo quy hoạch, dự án đường Tây Thăng Long sẽ cắt đường Tân Hội tại trụ sở Công an huyện Đan Phượng.
Theo quy hoạch, sau khi cắt đường Tây Hội, đường Tây Thăng Long cũng sẽ giao với Vành đai 4. Tuyến đường Tây Thăng Long sẽ đi tới cạnh KĐT The Phoenix Garden và kết thúc tại kênh Đan Đoài.
Tuyến đường trục Tây Thăng Long có quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật chia thành 2 đoạn. Đoạn từ Tây Hồ đến Vành đai 4 rộng 60,5 m; đoạn từ Vành đai 4 đến Sơn Tây rộng 40 m. Trong ảnh là khu vực đường rộng 40 m.
Tuyến đường Tây Thăng Long sau khi hoàn thành có ý nghĩa to lớn trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của các quận huyện ở phía Tây Thủ đô, giúp đồng bộ, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa ở các địa phương có tuyến đường đi qua.