Cần đưa mặt bằng cho thuê về đúng giá trị thực để “chống ế”

Tình trạng “ế ẩm” mặt bằng cho thuê trên các tuyến phố “đắc địa” tại nhiều thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM đã kéo dài hàng năm và chưa có dấu hiệu khởi sắc. Giới chuyên gia nhận định, dù nhu cầu có thấp hơn các năm trước đây nhưng mấu chốt vẫn là giá thuê quá cao.

Khảo sát thực tế tại những ngày đầu tháng 8 cho thấy, hàng loạt mặt bằng ở các tuyến phố trung tâm Hà Nội như Kim Mã, Giảng Võ, Nguyễn Thái Học, Xã Đàn…đều đang bỏ trống, treo biển cho thuê. Tình trạng này đã kéo dài cả năm qua.

Không chỉ ở Hà Nội, tại các khu vực trung tâm TP.HCM như Lý Tự Trọng, Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Mạc Đĩnh Chi…rất nhiều căn nhà mặt tiền cho thuê làm cửa hàng kinh doanh bị bỏ trống trong suốt thời gian dài. Những tấm biển “cho thuê mặt bằng” hay “cho thuê nhà chính chủ” kèm theo số điện thoại xuất hiện dày đặc.

“Ế ẩm” nhưng giá thuê neo cao

Mặc dù rơi vào tình trạng “ế ẩm” kéo dài nhưng giá thuê tại các khu vực này vẫn duy trì ở mức vài chục đến vài trăm triệu đồng, tùy theo diện tích sử dụng và mặt bằng. Đơn cử, tại đường Đồng Khởi, giá thuê phần lớn trên 100 triệu đồng/1 tháng tuỳ vị trí.

Tương tự, tại đường Lê Lợi, dù hàng chục mặt bằng đang “nằm chờ” khách thuê, nhiều vị trí thậm chí đã bỏ trống cả năm qua nhưng giá thuê cũng đều trên 100 triệu đồng/tháng, thậm chí cao hơn 2-3 lần tùy địa điểm.

Tại Hà Nội, con phố Kim Mã được biết đến là “kinh đô thời trang” thiết kế sầm uất của quận Ba Đình, nhưng thời gian gần đây lượng mặt bằng đóng cửa đang chiếm áp đảo. Chủ nhà liên tục treo biển cho thuê nhà nhưng rất lâu vẫn chưa tìm được khách thuê. Tuy nhiên, giá thuê có vị trí cũng lên tới 150 triệu đồng/tháng.

Dù cửa đóng then cài nhưng nhiều mặt bằng vẫn duy trì mức giá thuê lên đến hàng trăm triệu đồng 1 tháng

Chung cảnh ngộ, chủ 1 mặt bằng cho thuê trên phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) cũng treo biển cho thuê nhiều tháng nay nhưng vẫn chưa có người thuê. Giá thuê hiện tại của mặt bằng là 90 triệu đồng/tháng. Ở vị trí gần đó, phố Cửa Nam, mặt tiền nhỏ diện tích dao động từ 15 đến 22m2, giá cho thuê dao động ở mức 20 - 30 triệu đồng/tháng.

Nhận định về tình trạng này, ông Võ Hồng Thắng – Giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án, DKRA Group cho rằng, mặt bằng kinh doanh “ế ẩm” đang phản ánh một xu hướng về sự thay đổi mô hình kinh doanh của các thương hiệu trước sự phát triển của thương mại điện tử, các nền tảng bán hàng trực tuyến.

Kinh tế khó khăn khiến người dân phải thắt chặt tiêu dùng là những vấn đề khiến người kinh doanh phải bắt đầu cắt giảm chi phí, trong đó có mặt bằng. Thay vì bỏ ra chi phí lớn để thuê mặt bằng ở vị trí đắc địa họ có thể tìm đến vị trí vừa phải với mức giá thuê hợp lý, nhưng cũng có thể đóng cửa hẳn và hoạt động trực tuyến.

Mặt khác, theo bà Mai Võ – Phó giám đốc phụ trách dịch vụ bán lẻ toàn quốc CBRE Việt Nam cho biết, khách hàng thuê mặt bằng ở vị trí trung tâm đa phần là các thương hiệu mới, xa xỉ muốn tăng sự hiện diện, mong muốn thuê 3-5 năm, nhưng một số mặt chỉ cho ký hợp đồng 1 năm/lần. Điều này tạo ra rủi ro cho thương hiệu, cùng với đo một số mặt bằng vướng pháp lý nên khách thuê e ngại, không muốn thuê.

Điều chỉnh để phù hợp với xu thế

Theo bà Mai, chủ nhà hiểu rõ việc địa điểm đắc địa, vị trí trung tâm nên có giá trị cao nên “thà để trống còn hơn cho thuê mà không được như mong đợi”. Trong khi đó, thị trường bán lẻ sẽ sôi động hơn trong năm 2025, nhiều thương hiệu mới sẽ xuất hiện tại Việt Nam và sẽ mở cửa hàng mới, tuy nhiên cũng còn tùy thuộc vào từng mặt bằng.

Cũng nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, việc các mặt bằng phải đóng cửa là do khách thuê không “gánh” được các chi phí liên quan, trong khi giá thuê “chỉ tăng không giảm”. Do vậy, chủ nhà nên chủ động hỗ trợ người thuê, doanh nghiệp thuê, cùng tựa vào nhau để vượt qua khó khăn.

Người cho thuê cần điều chỉnh giá sao cho phù hợp với xu thế

Đồng quan điểm, bà Hoàng Nguyệt Minh - chuyên gia cấp cao Savills Hà Nội cho rằng, các chủ đơn vị cho thuê bất động sản, đặc biệt là cho thuê mặt bằng nhà phố cần thay đổi để thích nghi.

Theo đó, chủ sở hữu bằng kinh doanh thời điểm này cần hoàn thiện hạ tầng, đảm bảo mặt bằng có đủ điều kiện cấp phép cho thuê về công năng sử dụng, đảm bảo quy định về phòng cháy chữa cháy. Sau đó đưa ra giá thuê nhà về đúng giá trị thực, thay vì đua nhau tăng giá, gây khó khăn cho người thuê.

Trong khi đó, báo cáo tiêu điểm thị trường bất động sản quý II/2024 của CBRE Việt Nam cho biết, trong 3 năm tới, dự kiến giá thuê mặt bằng bán lẻ ở các khu vực trung tâm có thể tăng từ 7 - 10% và khu vực ngoài trung tâm sẽ tăng 2 - 3%. Hiện tại, giá thuê tại khu vực trung tâm đã đạt gần 280 USD/m2/tháng, tăng 18,5% so với năm trước.

Tại Hà Nội cũng đang chứng kiến xu hướng tăng giá thuê mặt bằng kinh doanh tại khu vực trung tâm, với mức giá thuê hiện tại đạt 180 USD/m2/tháng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước.