Đề xuất điều chỉnh giá điện theo chu kỳ 2 tháng/lần: Chuyên gia lên tiếng

Dù đề xuất giá điện điều chỉnh 2 tháng/lần với kỳ vọng "có tăng, có giảm", một số chuyên gia và doanh nghiệp lo ngại tần suất thay đổi giá liên tục có thể gây bất ổn cho chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và giá thành sản phẩm.

Thay đổi thời gian điều chỉnh giá điện

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định cơ chế và thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, với đề xuất rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá xuống còn 2 tháng, thay vì 3 tháng như hiện nay. Theo đó, mỗi năm có thể có tới 6 đợt thay đổi giá, thay vì 4 đợt như quy định tại Quyết định 05/2024.

Giá bán điện bình quân sẽ được cập nhật hàng quý theo chi phí phát điện. Nếu giá bình quân giảm từ 1% trở lên so với mức hiện hành, giá điện sẽ được điều chỉnh giảm tương ứng. Ngược lại, khi giá bình quân tăng từ 2% trở lên, giá điện sẽ được phép tăng.

Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh giá điện 2 tháng/lần

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn có quyền điều chỉnh giá điện trong phạm vi tăng dưới 5%. Nếu mức tăng từ 5 - 10%, EVN cần báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận trước khi thực hiện. Trường hợp giá điện cần điều chỉnh tăng trên 10%, Bộ Công Thương sẽ kiểm tra, rà soát và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Dự thảo cũng bổ sung quy định về cơ sở xác định lợi nhuận định mức trong tính toán giá bán điện bình quân cho các khâu như phân phối - bán lẻ, điều hành - quản lý, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu, và các đơn vị hạch toán phụ thuộc chưa tham gia thị trường điện cạnh tranh của EVN.

Bộ Công Thương cho biết, việc sửa đổi nguyên tắc về mức và thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện nhằm đảm bảo phù hợp với Luật Điện lực (sửa đổi), được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 11 vừa qua.

Theo cơ quan soạn thảo, giá bán lẻ điện sẽ phản ánh và điều chỉnh kịp thời theo biến động thực tế của các thông số đầu vào. Điều này nhằm bù đắp các chi phí hợp lý, đảm bảo lợi nhuận đủ để bảo toàn và phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh. Đồng thời, việc điều chỉnh giá sẽ được thực hiện nhiều lần trong năm, nhưng vẫn đảm bảo tránh các thay đổi đột ngột, theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.

Chu kỳ điều chỉnh giá ngắn có khả thi?

Trước đề xuất rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện xuống 2 tháng, nhiều chuyên gia năng lượng nhấn mạnh, nhà chức trách cần đảm bảo tính công khai, minh bạch, đồng thời giảm độc quyền của EVN. Một số ý kiến lại cho rằng, việc điều chỉnh giá điện nên dựa trên giá nhiên liệu đầu vào như giá than, tức là giá điện sẽ tăng hoặc giảm tương ứng với biến động của giá than.

Doanh nghiệp lo ngại tần suất thay đổi giá liên tục có thể gây bất ổn cho chi phí sản xuất

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đánh giá, minh bạch là yếu tố then chốt để người dân và doanh nghiệp dễ dàng chấp nhận các thay đổi về giá điện. Để thông tin minh bạch, cần có kiểm toán độc lập kiểm tra chi phí đầu vào, đầu ra, cũng như các chi phí quản lý kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh điện trong từng thời kỳ. Nếu không có các báo cáo đầy đủ và kịp thời, việc điều chỉnh giá điện theo chu kỳ 2 tháng sẽ thiếu cơ sở và không thuyết phục.

Dù đề xuất giá điện điều chỉnh 2 tháng/lần với kỳ vọng "có tăng, có giảm", một số chuyên gia và doanh nghiệp lo ngại tần suất thay đổi giá liên tục có thể gây bất ổn cho chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và giá thành sản phẩm.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, giá điện nên được xem xét dựa trên cơ chế thị trường, phản ánh đúng giá của các nguyên nhiên vật liệu đầu vào, từ đó đảm bảo tính hợp lý và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình đánh giá, việc điều hành giá điện thời gian qua còn nhiều bất cập, đặc biệt việc kìm giá trong thời gian dài, dẫn đến khi điều chỉnh giá chỉ có xu hướng tăng mà không giảm. Để giá điện phản ánh sát thực tế, cần điều chỉnh nhiều lần. Tuy nhiên, nên giữ tần suất điều chỉnh hiện tại là 3 tháng/lần. Sau vài năm thực hiện hiệu quả, có thể xem xét lộ trình rút ngắn, thậm chí áp dụng cơ chế điều hành giá điện tương tự như giá xăng dầu.

Theo ông Đào Nhật Đình, điều hành giá điện cần đảm bảo minh bạch về chi phí sản xuất ở từng loại nguồn điện và từng khâu vận hành. Ông lấy ví dụ từ Thái Lan, nơi điện khí tự nhiên chiếm tỷ trọng lớn. Ở đó, giá thành sản xuất điện được chốt cố định và cứ 3 tháng lại tổ chức họp để xem xét các yếu tố tăng giảm của nguyên liệu đầu vào trước khi điều chỉnh giá điện.

Trong khi đó, tại Việt Nam, chi phí sản xuất và kinh doanh điện chỉ được công bố mỗi năm một lần, khiến nhiều người vẫn hoài nghi về tính minh bạch cũng như hiệu quả kinh doanh của ngành điện, nhất là trong bối cảnh thị trường điện chưa thực sự cạnh tranh.

Ông Lê Trường Thủy - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Thủy điện Mai Châu (Hòa Bình) cho rằng, việc điều chỉnh giá điện cần linh hoạt theo thời điểm, mùa, khả năng tiêu thụ và phụ tải. Theo ông, với nguồn thủy điện, vào mùa mưa khi nước dồi dào, giá điện nên được điều chỉnh giảm. Ngược lại, vào mùa nắng khi nhiệt điện phải hoạt động liên tục hoặc cần huy động các nguồn điện chạy dầu với chi phí cao, giá bán lẻ điện cần tăng để bù đắp chi phí sản xuất.