Động đất ở Kon Tum: Dự báo sẽ còn tiếp diễn, cường độ khó vượt qua 5,5 độ Richter

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh nhận định, động đất kích thích tại Kon Plông (do ảnh hưởng từ xây dựng các công trình thủy điện) kéo dài trong nhiều năm, có thể là 10 năm và dự báo động đất sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ Richter.

Hai ngày xảy ra 46 trận động đất

Ngày 29/7, Trung tâm Báo tin Động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu đã phát đi thông báo, huyện Kon Plông (Kom Tum) đã ghi nhận 25 trận động đất từ 2,5 đến 3,8 độ richter trong khoảng thời gian 0h - 17h30h. Còn ngày 28/7, huyện Kon Plông cũng ghi nhận tới 21 trận động đất từ 2,5 đến 5,0 độ richter.

Ông A Lang - Bí thư Chi bộ thôn Đăk Tăng (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) cho hay, trong thôn có khoảng 70 hộ dân sinh sống trên các rẻo núi cao. Nhiều năm nay, bà con đã quen với sự rung lắc nhẹ do động đất. Nhưng với trận động đất 5,0 độ richter, trẻ con, người lớn đang ở trong nhà phải chạy ra ngoài. Vật dụng để trên cao bị rơi xuống đất. Liên tục xảy ra động đất mạnh khiến người dân nơi đây lo sợ nguy cơ sạt lở.

Xã Đăk Tăng thường xuyên xảy ra động đất (Ảnh: Trần Hóa/VnExpress)

Còn bà Quy (xã Đăk Tăng, Kon Plông) chia sẻ, 2 ngày qua, người dân trong xã luôn cảm nhận rung lắc, nhất là đêm nằm ngủ. Mới đây, chính quyền địa phương đã nhắc nhở người dân sửa chữa nhà kiên cố, tích trữ lương thực đề phòng thiên tai xảy ra.

Ghi nhận tại xã Đăk Rinh (huyện Kon Plông), sau trận động đất 5,0 độ ngày 28/7, một số công trình trường học, trạm y tế đã xuất hiện vết rạn nứt trên tường. Ông Nguyễn Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Đăk Rinh cho hay, những vết nứt này được xác định không ảnh hưởng nhiều. Một số vết nứt có từ trước nên khi xuất hiện rung chấn thì bị nứt lớn ra.

Xã đã phối hợp cùng lãnh đạo nhà trường tiến hành gia cố, khắc phục những điểm hư hỏng, rạn nứt. Ngoài ra, xã còn thành lập Ban phòng, chống thiên tai cấp xã để xây dựng các tình huống có thể xảy ra khi có thiên tai.

UBND huyện Kon Plông cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, huyện ghi nhận ít nhất 190 trận động đất, riêng tháng 7 khoảng 69 trận. Trước việc động đất liên tục xảy ra, huyện Kon Plông đang khẩn trương phối hợp cơ quan chức năng tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp ứng phó. Trước mắt, huyện đã tuyên truyền tới người dân cách phòng tránh thiên tai, đặc biệt là sạt lở, động đất. UBND xã xây dựng phương án "4 tại chỗ", tích trữ lương thực, thực phẩm đề phòng lúc bị sạt lở, cô lập…

Động đất tại Kon Tum nhưng TP. HCM vẫn cảm nhận được

Trận động đất 5,0 độ Richter xảy ra vào khoảng 11 giờ 35 ngày 28/7 tại Kon Tum, nhưng không chỉ người dân tỉnh này mà các tỉnh khác như Bình Định, Phú Yên, thậm chí cả TP. HCM cũng cảm nhận được rung lắc. Trong khi đó, truyền thông Thái Lan, Campuchia thì đưa tin, người dân một số tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan và tỉnh Ratanakkiri (Campuchia) đã cảm nhận được rung chấn do trận động đất từ Việt Nam.

Tường vỡ sau rung chấn của động đất (Ảnh: Lâm Võ/Thanh Niên)

Trước hiện tượng này, tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận định, với một trận động đất có độ lớn đến 5 độ richter thì bán kính ảnh hưởng tới hàng trăm km. Vì thế, người dân tại TP. HCM, Thái Lan và Campuchia cảm nhận được rung chấn là bình thường.

Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, việc này cũng giống người dân ở một số khu vực Hà Nội cảm nhận được rung lắc do động đất từ Thái Lan, Lào, Vân Nam (Trung Quốc) trong khoảng vài chục năm gần đây. Mới đây nhất, ngày 27/7/2020, tại huyện Mộc Châu (Sơn La) xảy ra động đất mạnh 5,3 độ Richter, rung chấn lan đến Hà Nội khiến nhiều tòa nhà cao tầng rung lắc.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh cho biết, có nhiều yếu tố tác động tới việc cảm nhận được độ rung lắc do ảnh hưởng động đất từ địa phương khác như cường độ, khoảng cách, nền đất, độ sâu chấn tiêu, độ cao công trình xây dựng… Thế nên, có những địa phương tuy ở gần nơi xảy ra động đất hơn nhưng nền đất khỏe nên không bị rung lắc. Trong khi, có nơi tuy ở xa hơn nhưng nền đất yếu nên cảm nhận được rõ ràng. Đặc biệt, nền đất yếu cộng thêm yếu tố có nhiều công trình xây dựng quy mô lớn (có khối lượng xây dựng lớn đè lên nền đất), nhà cao tầng… thì càng dễ bị ảnh hưởng.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh cho biết thêm, dự báo động đất kích thích tại Kon Plông (do ảnh hưởng từ xây dựng các công trình thủy điện) kéo dài trong nhiều năm, có thể là 10 năm. Theo đó, dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ Richter.

Động đất ở Kon Tum sẽ còn tiếp diễn và gây ảnh hưởng đến ở khu vực đông dân cư và công trình trọng điểm, nhất là vùng tâm chấn. Do vậy, cơ quan chức năng cần cập nhật thường xuyên để đưa ra phương án thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm, khu dân cư… Đồng thời, UBND các xã, thị trấn vùng tâm chấn cần tuyên truyền để nâng cao kỹ năng phòng, chống động đất cho người dân.

Thủ tướng yêu cầu hỗ trợ người dân, tìm nguyên nhân ứng phó

Ngay sau vụ động đất, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện về việc kiểm tra, chủ động khắc phục hậu quả động đất tại địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi đến nhân dân khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất. Đồng thời, yêu cầu UBND tỉnh Kon Tum cùng những địa phương trong khu vực hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng, tránh tâm lý hoang mang, nhất là với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Thủ tướng cũng giao Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục tổ chức theo dõi diễn biến và các dư chấn động đất, phối hợp với các cơ quan chức năng. Cùng với đó, huy động các nhà khoa học, chuyên gia, làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường tại khu vực, kịp thời thông tin đến cơ quan chức năng và người dân để phục vụ công tác truyền thông, chỉ đạo ứng phó, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng gây hoang mang, bất ổn trong nhân dân...