Giá đất, giá nhà ngày càng cao. Do đó, việc sở hữu một căn nhà là một giấc mơ của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, một hiện tượng khá thú vị đang xảy ra trong giới trẻ hiện nay là việc nhiều người trẻ, mặc dù đã có nhà riêng, lại chọn cho thuê căn nhà đó và đi ở trọ hoặc thuê một nơi khác để sống.
Việc người trẻ có nhà nhưng cho thuê và đi ở trọ phản ánh một xu hướng mới trong cách quản lý tài sản và tối ưu hóa cuộc sống. Mặc dù có những thách thức nhất định, nhưng với sự linh hoạt và khả năng tối ưu hóa tài chính, lựa chọn này ngày càng được nhiều người trẻ ưa chuộng. Điều này cũng cho thấy sự thay đổi trong quan niệm về sở hữu và cách tiếp cận cuộc sống của thế hệ trẻ, hướng đến tự do và linh hoạt hơn trong cuộc sống hiện đại.
Chị Trần Thị Thanh Tú (27 tuổi, huyện Nhà Bè, TP. HCM) là nghề kinh doanh quần áo. Ngoài thu nhập này, chị còn có thêm một khoản khác từ việc cho thuê căn hộ chung cư. Chị Tú cho biết, chị mua căn chung cư 3 phòng ngủ tại quận 10 này từ năm 2022. Nhưng chị không dọn vào ở, mà quyết định cho thuê với giá 12 triệu đồng/tháng. Hiện tại chị Tú vẫn ở phòng trọ 4,5 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ về quyết định này, chị Tú bộc bạch, bản thân còn trẻ nên phải tận dụng tối đa cơ hội kiếm tiền, chứ không thể hưởng thụ quá sớm. Ngoài ra, biến cố gia đình khiến chị ý thức được bản thân là chỗ dựa duy nhất của mẹ. Vì vậy, chị luôn nỗ lực làm việc, có thêm nhiều nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống và tích lũy cho bản thân, chăm sóc mẹ về già.
Tương tự, anh Trần Trung Kiên (quận 8, TP. HCM) đã mua được 1 căn hộ chung cư ở TP. Thủ Đức, nhưng không ở mà cho thuê với giá 7 triệu đồng/tháng. Bản thân anh vẫn sống ở phòng trọ với giá thuê 4 triệu đồng/tháng. Anh Kiên cho biết, anh chưa có ra đình nhỏ của riêng mình nên tập trung vào tiết kiếm.
Bên cạnh đó, anh Kiên cho rằng, mỗi người trẻ đều nên lựa chọn kênh đầu tư phù hợp để bảo vệ, tích luỹ dòng tiền. Sau này, số tiền đó sẽ giúp ích rất nhiều trong việc gia tăng thêm tài sản và là khoản phòng thân lúc về già.
Minh Đức (Thanh Hóa) đang là sinh viên năm 3 của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội, nhưng với sự mẫn cảm về thị trường bất động sản cùng sự trợ giúp của bố mẹ, cậu hiện sở hữu 2 căn hộ chung cư tại Thủ đô. Dù có tới 2 căn chung cư trị giá khoảng 10 tỷ, Đức vẫn đang ở phòng trọ giá 3,5 triệu đồng.
Đức chia sẻ, cậu mới đang sinh viên, không muốn tiêu xài hoang phí. Ngoài ra, cậu vẫn muốn phát triển trong lĩnh vực bất động sản nên cần tích lũy vốn vì đầu tư ngành này cần rất nhiều tiền.
Về xu hướng này của giới trẻ, thạc sĩ Nguyễn Thế Huy - giảng viên tại Trung tâm đào tạo kinh tế, tài chính - ngân hàng Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM cho hay, thu nhập được tạo ra từ các khoản đầu tư hoặc tài sản đã xây dựng trước đó, ví dụ tiền có được từ việc cho thuê nhà, được gọi là thu nhập thụ động. Tức là nguồn tiền người trẻ có thể nhận được một cách đều đặn mà không cần phải trực tiếp làm việc.
Thu nhập thụ động giúp tạo ra sự an toàn tài chính bằng cách đa dạng hóa, giảm sự phụ thuộc vào một công việc duy nhất. Điều này đặc biệt quan trọng và nên có ở thời điểm nhiều biến động như hiện nay. Thu nhập thụ động giúp các bạn trẻ đạt được tự do tài chính sớm hơn. Với nguồn thu nhập bổ sung này, người trẻ có thể nhanh chóng tiến gần đến các mục tiêu tài chính lớn, thậm chí là nghỉ hưu sớm.