Lại liên tiếp xảy ra sự cố thang máy: Nguyên nhân do thiếu nhân lực có chứng chỉ

Ông Nguyễn Huy Tiến - Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam cho hay, hiện chưa có khung pháp lý yêu cầu chứng chỉ hành nghề cho những người làm trong ngành thang máy. Do đó, nhiều đơn vị có thể tiết kiệm chi phí bằng cách không sử dụng lao động được đào tạo, trong khi chủ sở hữu thang máy thường chọn dịch vụ có giá thấp mà không chú trọng đến uy tín và chất lượng nhân lực bảo trì.

4 ngày có 2 sự cố thang máy

Người dân sống tại chung cư HH03C TDP4 (khu đô thị Thanh Hà, huyện Thanh Oai, Hà Nội) phản ánh, vào lúc 17h20 ngày 28/10, một sự cố thang máy nghiêm trọng xảy ra tại tòa nhà này. Theo đó, khi thang máy đang di chuyển lên tầng 7 thì bất ngờ tụt xuống giữa tầng 3 và 4 rồi dừng lại, khiến 7 người bên trong, gồm cả trẻ em và người lớn, hoảng loạn.

Chị L.H - một trong những người có mặt trong thang cho biết, họ rất hoảng sợ và khi bấm nút báo động, bảo vệ đã phải cạy cửa để đưa mọi người ra ngoài. Sau sự cố, nhiều người ám ảnh không dám sử dụng thang máy, chấp nhận đi bộ hàng chục tầng lên nhà.

Sự cố thang máy xảy ra vào lúc 17h20 ngày 28/10

Cư dân khu đô thị Thanh Hà cũng cho biết, nhiều tòa nhà ở đây thường xuyên gặp sự cố thang máy, dù đã có đơn vị bảo trì được thay đổi nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Ông Phan Minh Châu - Tổ trưởng TDP4 xác nhận vụ việc gây hoang mang cho cư dân trên. Ông cho biết, tòa nhà đã thay đổi đơn vị bảo trì nhưng vẫn xảy ra sự cố thang máy. Cư dân đã gửi nhiều đơn thư kiến nghị tới các cơ quan chức năng và nêu vấn đề này tại các cuộc họp, nhưng chưa có giải pháp nào.

Sau khi sự việc được chia sẻ trong nhóm cư dân, nhiều tòa nhà khác trong khu đô thị Thanh Hà cũng phản ánh tình trạng thang máy gặp sự cố tương tự. Một sự cố khác cũng xảy ra tại khu HH Linh Đàm vào lúc 17h50 ngày 24/10, khi thang máy tại tòa HH3B đang di chuyển từ tầng cao xuống bất ngờ trượt xuống tầng 4, khiến cư dân bên trong, trong đó có phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, rơi vào hoảng loạn. Cư dân cho biết đây không phải là lần đầu tiên sự cố như vậy xảy ra trong khu vực.

Bộ phận kỹ thuật đã theo dõi và xác nhận đây là một lỗi của thang máy, khi nó đã trôi từ tầng 7 xuống tầng 4 trước khi tiếp tục hoạt động bình thường. Sự cố này khiến người dân bên trong hoảng loạn.

Anh Kim Dũng - cư dân tầng 29 của chung cư HH3B cho biết, anh có mặt khi sự cố xảy ra, trong thang máy có cả phụ nữ mang thai, trẻ em. Mọi người đều bị hoảng loạn. Ngay sau đó, anh đã xuống để phản ánh với ban quản lý nhằm tìm giải pháp xử lý.

Theo cư dân tòa nhà, sự cố này không phải là lần đầu xảy ra tại đây hay tại các tòa khác trong khu vực. Tình trạng này đã diễn ra liên tục trong nhiều tháng qua ở nhiều thang máy khác nhau. Việc thang tự dừng hoặc mắc kẹt còn có thể chấp nhận được, nhưng việc bị rơi tự do thì rất nguy hiểm.

Thời gian gần đây lại liên tiếp xảy ra sự cố thang máy

Cần khung pháp lý về chứng chỉ hành nghề

Ông Nguyễn Huy Tiến - Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam cho biết, cả nước hiện có khoảng 400.000 thang máy, thang cuốn và băng tải chở người. Một số lượng lớn trong số này đã có tuổi đời từ 15 năm trở lên, tức là đã bắt đầu "già hoá" và có nguy cơ xuất hiện các lỗi kỹ thuật, gây rủi ro cho người sử dụng.

Theo ông Tiến, đối với các tòa chung cư và nhà cao tầng, chi phí càng cao thì chất lượng thang máy thường tốt hơn. Tuy nhiên, thang máy muốn an toàn thì cần được bảo trì và bảo dưỡng đúng cách. Việt Nam đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cho thang máy, yêu cầu các thang máy trong công trình công cộng và chung cư phải được bảo trì ít nhất một lần mỗi tháng và hầu hết các bên đều tuân thủ quy định này.

Dù vậy, chất lượng bảo trì và bảo dưỡng lại là vấn đề đáng quan tâm. Xã hội hiện chưa chú trọng đến chất lượng nguồn nhân lực trong ngành thang máy, mặc dù đây là ngành có năng suất cao với lượng hành khách lớn sử dụng mỗi ngày. Hiện tại, chưa có cơ sở đào tạo chính thức cho kỹ thuật viên thang máy và không có yêu cầu về bằng cấp hay chứng chỉ.

Ông Tiến nhận định, tình trạng này xuất phát từ việc chưa có khung pháp lý yêu cầu chứng chỉ hành nghề cho những người làm trong ngành thang máy. Thiếu quy định bắt buộc, nhiều đơn vị có thể tiết kiệm chi phí bằng cách không sử dụng lao động được đào tạo, trong khi chủ sở hữu thang máy thường chọn dịch vụ có giá thấp mà không chú trọng đến uy tín và chất lượng nhân lực bảo trì.

Hiện nay, bất kỳ ai cũng có thể trở thành nhân viên bảo trì thang máy với một chút huấn luyện từ nhà tuyển dụng, thậm chí chỉ cần kinh nghiệm truyền miệng. Tuy nhiên, thang máy lại thuộc Nhóm 2 (nhóm đối tượng có nguy cơ gây mất an toàn), có khả năng gây nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng. Kỹ thuật thang máy không chỉ là một nghề phức tạp mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và độc hại.