Chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh giữa bé trai và bé gái ở nước ta ngày càng tăng cao qua các năm. Theo Bộ Y tế, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh này xuất hiện từ khoảng năm 2006. Đến năm 2012, tỷ số này luôn duy trì ở mức hơn 112 bé trai/100 bé gái, trong khi ngưỡng cân bằng tự nhiên là 104 - 106 bé trai/100 bé gái.
Bộ Y tế cảnh báo, nếu tỷ số giới tính khi sinh không được khống chế thì sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng, tác động đến cơ cấu hợp lý về giới tính và nhân khẩu học. Bên cạnh đó, việc mất cân bằng này còn dẫn đến sức ép với các nam thanh niên khi "chú rể tương lai nhiều hơn cô dâu". Điều này có nghĩa, nhiều nam giới sẽ buộc phải trì hoãn hoặc từ bỏ việc kết hôn do không kiếm được vợ.
Dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có 2,3 - 4,3 triệu nam thanh niên ít có cơ hội lấy được vợ trong nước. Việc này gây hệ lụy cho sự phát triển bền vững. Báo cáo về dân số của Ngân hàng Thế giới vào tháng 4/2022 cũng cho thấy, Việt Nam đứng trước nguy cơ dư thừa nam giới trong 30 năm tới. "Tình trạng này có thể dẫn đến bạo lực giới, nạn buôn người, mại dâm, bất ổn chính trị và thiệt hại kinh tế", Bộ Y tế cho hay.
Trước thực trạng chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh, Bộ Y tế đề nghị bổ sung quy định cấm lựa chọn giới tính thai nhi và tăng chế tài xử phạt với hành vi này trong dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến. Cơ quan chức năng tập trung thanh tra, xử lý các tổ chức, cá nhân lạm dụng công nghệ, kỹ thuật để lựa chọn giới tính khi sinh. Cơ quan soạn thảo dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Dân số vào kỳ họp thứ 10 năm 2025.
Ngoài ra, Bộ Y tế còn đề xuất đưa nội dung xóa bỏ phân biệt và định kiến giới lồng ghép vào chương trình giáo dục quốc dân, quy ước, hương ước của thôn, bản, ấp, tổ dân phố. Chính phủ quy định trách nhiệm cơ quan, tổ chức và cá nhân tại các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi.
Lý giải nguyên nhân chênh lệch tỷ lệ bé nam nhiều hơn bé nữ, Bộ Y tế cho rằng nhiều gia đình vẫn nặng tư tưởng Nho giáo, tâm lý ưa thích có con trai để nối dõi. Hiện nay, khoa học công nghệ phát triển khiến việc lựa chọn giới tính thai nhi trước sinh dễ dàng hơn. Trong khi mỗi cặp vợ chồng bây giờ chỉ sinh 1 - 2 con nên thường thích con trai làm trụ cột kinh tế, gánh vác công việc gia đình sau này. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý hành vi lựa chọn giới tính thai nhi chưa được đẩy mạnh.
Ngoài ra, đặc điểm nền kinh tế nước ta hiện nay cũng đang phát huy lợi thế của nam giới. Những công việc vốn phù hợp và thu hút nhiều lao động nữ như y tế, giáo dục ngày càng cạnh tranh hơn. Trong khi các ngành sản xuất vốn cần nhiều lao động nữ như dệt may, lắp ráp điện tử… lại có thu nhập thấp và dễ bị sa thải ở độ tuổi ngoài 40.
Hay những công việc lãnh đạo và quản lý, cả khu vực công và tư, hiện có nhiều gương mặt phụ nữ thành công, nhưng nếu nhìn vào số liệu thống kê thì nam giới vẫn đang chiếm ưu thế. Đơn cử với khối doanh nghiệp trong nước, tỷ lệ phụ nữ làm chủ chỉ chiếm khoảng 20%.
Những dẫn chứng trên để hiểu rằng, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta hiện nay là hệ quả tổng hòa từ các giá trị văn hóa truyền thống, quan niệm, thói quen tâm lý, điều kiện kinh tế, cũng như trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, những nỗ lực loại bỏ các hành động "trọng nam khinh nữ" thời gian tới vẫn sẽ còn rất gian nan.
Hiện nay, Nghị định 117/2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định, cá nhân, tổ chức bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng nếu chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc, áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn. Cơ sở y tế, nhân viên y tế vi phạm quy định trên có thể bị đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề đến 3 tháng.
Có thể thấy chế tài này vẫn là khá nhẹ nhàng, vì vậy đề xuất tăng mức xử phạt của Bộ Y tế là cần thiết.